Các bác sĩ đang thử nghiệm một số loại thuốc trên bệnh nhân bị nhiễm virus corona chủng mới (nCoV), bao gồm thuốc được phát triển để điều trị Ebola và thuốc kháng HIV.
Bệnh nhân đầu tiên ở Hoa Kỳ nhiễm nCoV đã được truyền một loại thuốc thử nghiệm chứa hoạt chất remdesivir trong quá trình điều trình tại một bệnh viện ở bang Washington. Sau một ngày, bệnh nhân bắt đầu khỏe hơn. Sau bốn ngày, cơn sốt đã dứt. Tuy vậy, một trường hợp duy nhất chưa đủ để chứng minh điều gì. Không rõ loại thuốc này thực sự giúp bệnh nhân hay việc cải thiện chỉ là tình cờ.
Remdesivir được phát triển bởi công ty dược phẩm Gilead Sciences (Mỹ) để điều trị Ebola chỉ là một trong vài loại thuốc mà các bác sĩ cho rằng có thể giúp bệnh nhân bị nhiễm nCoV. Chúng là loại thuốc chống virus phổ rộng, có khả năng ngăn hoạt động của một loại protein giúp các chủng virus corona tự nhân lên.
Các nhóm nghiên cứu từng xác định loại thuốc này là ứng cử viên tiềm năng để điều trị các loại virus corona sau hậu quả của đợt bùng phát MERS năm 2012 tại Trung Đông. Trong mô hình tế bào, loại thuốc này cho thấy có thể ngăn chặn hoạt động của MERS, SARS và một số dòng virus corona khác trên cơ thể dơi.
Thử nghiệm với nCoV cho thấy remdesivir cũng ngăn chặn hoạt động của chúng, ít nhất là trong phòng thí nghiệm. Kết quả này, cùng với hiệu quả tích cực trên bệnh nhân tại bệnh viện ở bang Washington, đủ để công ty Gilead triển khai thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng hơn. Họ dự kiến sẽ tiến hành trên 270 bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật tại Bắc Kinh. Một nhóm sẽ được cho dùng thuốc thử nghiệm, nhóm còn lại sẽ dùng giả dược để so sánh.
Mặc dù remdesivir chưa được Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) hoặc bất kỳ cơ quan quản lý nào phê duyệt, nó đã được thử nghiệm an toàn trong đợt bùng phát Ebola vào năm 2014 và 2015. Đó là lý do tại sao Gilead có thể ngay lập tức thí nghiệm trên những người mắc bệnh tại thời điểm này. GS Florian Krammer, chuyên gia phát triển caccine tại Trường Y khoa Icahn, Mỹ, nhận xét: “Loại thuốc này khá an toàn, mặc dù không có tác dụng gì nhiều [với người bị Ebola]”.
Một thử nghiệm lâm sàng khác kết hợp hai loại thuốc kháng HIV chứa hai hoạt chất lopinavir và ritonavir cũng đang được tiến hành tại một bệnh viện ở Trung Quốc.
Ở Thái Lan, các bác sĩ tại bệnh viện Rajavithi cho biết họ cũng đang dùng thuốc kháng HIV nói trên kết hợp với thuốc trị cúm chứa oseltamivir để hỗ trợ một số bệnh nhân mắc virus corona, trong đó có một phụ nữ 70 tuổi đến từ Vũ Hán.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời bác sĩ Kriangsak Atipornwanich, chuyên gia phổi tại Bệnh viện Rajavithi, rằng: “Đây không phải là cách chữa bệnh, nhưng [khi sử dụng thuốc] tình trạng của bệnh nhân được cải thiện nhiều. Từ chỗ xét nghiệm dương tính, trong suốt 10 ngày dưới sự chăm sóc của chúng tôi, sau khi áp dụng kết hợp thuốc này, trong vòng 48 giờ, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân đã âm tính”. Sự kết hợp giữa lopinavir và ritonavir có vẻ hiệu quả ở một số ít bệnh nhân mắc SARS vào năm 2002 và 2003, và chặn được virus MERS trong các nghiên cứu trên động vật.
Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của những nghiên cứu trước đó. Rõ ràng, trong bệnh dịch này, các nhà nghiên cứu không hề bắt đầu từ con số 0 mà đã có hơn hai thập kỉ thử nghiệm thuốc ở cấp độ tế bào, động vật và trên từng cá thể bệnh nhân. Bây giờ, các nhà nghiên cứu lão làng đang phải đối mặt với một vấn đề cấp bách xoay quanh câu hỏi: Liệu thuốc có thực sự tác dụng trên [số đông] người. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ Anthony Fauci phát biểu trong buổi họp báo cuối tháng 1/2020 rằng: “Hiện vẫn chưa có liệu pháp được chứng minh nào cho bệnh nhân bị nhiễm virus corona.”
Phải tới tận cuối tháng 4, thử nghiệm remdesivir mới có kết quả. Có khả năng không loại thuốc được thử nào có hiệu quả trong việc điều trị nCoV, nhưng những lựa chọn có sẵn này sẽ là bằng chứng cho việc liệu các nghiên cứu đã thực hiện trước đó có hợp lý hay không.
Nguồn tham khảo: