Việc hiểu rõ hơn về bản chất của virus 2019-nCoV và áp dụng những biện pháp phòng tránh nhà nhân viên ý tế khuyến cáo là cách tốt nhất để chúng ta có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng của chủng virus mới này.
Chúng là gì?
2019-nCoV là kí hiệu của virus gây đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc, với tên gọi đầy đủ là novel coronavirus 2019. Chữ novel nghĩa là mới, do chủng virus mới được tìm thấy ở Vũ Hán, khác với các virus trước đó. Chủng lạ này được phát hiện lần đầu ngày 30/12/2019, đang lây lan mạnh ở Trung Quốc. Mặc dù đã xuất hiện ở 27 quốc gia khác nhưng số ca báo cáo mắc virus hoặc nghi ngờ mắc virus ở các nước bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đang ở mức thấp. [1]
Coronavirus là tên một nhóm virus lớn tồn tại trong tự nhiên, có hình dạng gai giống hình vương miện ‘corona’. Hiện có tổng cộng 7 loại coronavirus có thể lây nhiễm ở người, trong đó có 4 loại dễ lây nhiễm và gây bệnh tương đối nhẹ; 2 loại khó lây gây bệnh rất nặng (SARS và MERS) [
2]. Loại virus mới xuất hiện cuối năm 2019 nCoV đã được các nhà khoa học Trung Quốc phân lập và công bố trình tự gene trên các cơ sở dữ liệu công khai như
GISAID hay GenBank. [3]
Hiện nay, 2019-nCoV vẫn đang được nghiên cứu để tìm hiểu nguồn gốc, phương thức truyền nhiễm, phương thức chẩn đoán và điều trị. Theo
Nature, tính đến hết tháng 1/2020, chỉ trong vòng chưa đầy 30 ngày đã có hơn
50 bài báo khoa học quốc tế công bố về chủng virus này, không ít bài xuất hiện trên các tạp chí y khoa bình duyệt đáng tin cậy như The Lancet, Journal of Medical Virology. [4]. Các nghiên cứu cho thấy 2019-nCoV có các triệu chứng lâm sàng của các bệnh hô hấp tương tự như SARS, không nên đánh giá thấp tỷ lệ tử vong.
Nguồn gốc virus từ đâu?
Ngày càng có nhiều bằng chứng 2019-nCoV có nguồn gốc từ dơi. Nhưng vấn đề quan trọng là vật chủ trung gian tiếp theo là gì để giúp ích cho việc phòng và dập dịch. Có những tài liệu công bố “nghi phạm” là rắn, hoặc ếch và các động vật khác, nhưng vẫn cần phải chờ thêm các bằng chứng. Tuy nhiên, dù vật chủ trung gian là gì, thì ở thời điểm hiện tại chúng ta cũng nên tránh tiếp xúc hay ăn thịt động vật hoang dã, còn về lâu dài cần từ bỏ thói quen ăn chuỗi thực phẩm này.
Cách thức lây truyền từ người sang người
Thông thường virus có 3 cách lây truyền, 2019-nCoV có thể lây truyền theo cả 3 con đường trên, gồm (i) Lây nhiễm qua giọt nước bọt, do hắt hơi, ho, tiếp xúc gần khi nói chuyện khiến virus từ các giọt nước bọt xâm nhập qua niêm mạc mũi, miệng hoặc mắt; (ii) Lây qua tiếp xúc, như chạm vào miệng, mũi, mắt của người bệnh rồi sau đó lại đụng chạm vào mũi, miệng hoặc mắt của mình; (iii) Lây truyền qua không khí.
Đến nay, phần lớn bệnh nhân viêm phổi đều liên quan đến Vũ Hán, nghĩa là họ đến Vũ Hán hoặc từ Vũ Hán đến, nhưng vẫn có những bệnh nhân khác không liên quan, cùng với nhóm người mắc bệnh là nhân viên y tế, cho thấy 2019-nCoV có khả năng lây truyền từ người sang người. Một bằng chứng khoa học khác cho thấy 2019-nCoV lây từ người sang người, đó là nhóm bệnh nhân ở Thẩm Quyến, virus phân lập từ các bệnh nhân có đặc điểm rất giống nhau, điều đó gợi ý họ cùng chung một nguồn lây nhiễm.
Tuy vậy, sự lây truyền này trong cộng đồng người đang ở một mức độ nhất định. Phương thức lây truyền chủ yếu được xác định là qua đường hô hấp. Người cao tuổi, người suy giảm hệ thống miễn dịch đặc biệt do các bệnh mãn tính, cần chú ý tự bảo vệ bản thân. Những người trẻ tuổi hiếm khi bị bệnh nhưng cũng nên có biện pháp bảo vệ. Cần phải nhấn mạnh, đối với những người mắc bệnh cấp và mãn tính gây suy giảm hệ thống miễn dịch thì 2019-nCoV thực sự là mối đe dọa. Theo công bố trên
The Lancet, 72% người nhiễm bệnh trên 40 tuổi và 64% nam giới mắc bệnh, 40% người nhiễm bệnh mắc các bệnh khác như tiểu đường và cao huyết áp.[5]
Có phải 2019-nCoV đang “siêu lây nhiễm”?
Hiện tại, số liệu báo cáo từ Trung Quốc và được WHO sử dụng, thì chưa thể khẳng định 2019-nCoV là “siêu lây nhiễm”, tức là lây nhiễm với tốc độ chóng mặt.
WHO vẫn sử dụng hệ số lây nhiễm R0 từ 1,4 đến 2,5 - nghĩa là 1 người mắc bệnh thì có thể lây nhiễm cho 1,4 đến 2,5 người. [6]. Nếu có 10.000 người nhiễm bệnh có thể lây cho 14.000 đến 25.000 người. Khi nào R0 <1 thì dịch sẽ được khống chế và tự hết dần.
So sánh ra, một số virus khác như cúm mùa (chẳng hạn H1N1) có R0 khoảng 1,3 - dịch SARS hoặc HIV có R0 vào khoảng 2 - 5, bệnh sởi vào khoảng 12-16. Tuy nhiên, cần lưu ý R0 lớn hơn không có nghĩa là bệnh nặng hơn và mọi người cần tránh mắc sai lầm cho rằng hệ số lớn đồng nghĩa với việc chúng ta chắc chắn gặp đại dịch [7].
Hệ số lây nhiễm R0 chắc chắn thay đổi và phụ thuộc nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố đó, rất quan trọng, là quy luật tiến hóa sinh học, nghĩa là 2019-nCoV thay đổi thích nghi với môi trường thuận lợi cho sự sinh tồn của nó. Sự sinh sản của 2019-nCoV phụ thuộc hoàn toàn vào nơi virus cư trú là các tế bào ở một tạng nào đó của cơ thể người và các chất cần thiết.
Thông thường, để virus tồn tại và phát triển, thì bản thân virus phải tiến hóa theo cách là tăng cường khả năng lây nhiễm và giảm khả năng gây bệnh. Bởi nếu tế bào nhiễm virus bị giết chết, hay bệnh nhân tử vong nhiều, thì virus cũng khó có cơ hội tồn tại; SARS-CoV và MERS-CoV có lẽ là tình huống như vậy.
Chỉ khi virus biến đổi trong cơ thể người và làm tăng khả năng lây nhiễm, thì người bị nhiễm bệnh có thể sẽ là một "siêu lây nhiễm", và hiện tượng một người lây nhiễm nhiều người sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều bệnh nhiễm trùng khác.
Mức độ nghiêm trọng và tử vong
Tính hết ngày 2/2/2020, trên thế giới có hơn 17.300 ca bị nhiễm, khoảng 360 trường hợp tử vong và trên 480 trường hợp hồi phục. [1] Như vậy tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 2%. Tuy nhiên, tổng số người bị nhiễm bao gồm cả bệnh nhân bị sốt và viêm phổi, chưa sàng lọc với bệnh nhân nhẹ hoặc triệu chứng không điển hình. Bước đầu nhận định, nhóm bệnh nhân tử vong tập trung ở những người cao tuổi, có bệnh mãn tính, bệnh nền. Như vậy, 2019-nCoV có tỉ lệ tử vong cũng tương tự cúm, thậm chí thấp hơn cúm. Mặc dù số người bị nhiễm tăng nhanh theo ngày nhưng do dịch được phát hiện từ sớm và nhiều chính phủ cùng hệ thống y tế đang ra sức đối phó nên số ca tử vong có tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.
So sánh với 2 virus cùng họ gây bệnh nghiêm trọng là Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng SARS (đã từng xảy ra ở Việt Nam vào thời điểm năm 2003), bệnh nhân nhanh chóng viêm phổi nặng và suy hô hấp,
tỉ lệ tử vong khoảng 6-15%; và Hội chứng Hô hấp Trung Đông MERS năm 2012, (mặc dù chưa vào Việt Nam) với
tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 28-35%. [8] Cả hai virus này khả năng lây truyền từ người sang người kém, nhưng khi đã nhiễm thì bệnh rất trầm trọng, tử vong hoặc để lại di chứng tàn phá phổi suốt đời.
Điều đó không có nghĩa chúng ta chủ quan với dịch hiện nay. Một số ca bệnh ghi nhận ở Trung Quốc có triệu chứng lâm sàng của các bệnh hô hấp tương tự như SARS, không nên đánh giá thấp tỷ lệ tử vong. Ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố “sự bùng nổ của của 2019-nCoV gây nên tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC)”. Điều đó có nghĩa rằng: 2019-nCoV đã bước vào giai đoạn phức tạp. Đối phó với dịch bệnh đòi hỏi con người phải thật bình tĩnh, hiểu được vấn đề nhưng cũng không trở nên sợ hãi một cách cực đoan.
Vai trò của enzyme hACE2 ở phổi
Một vài
nghiên cứu mới nổi gần đây chỉ ra việc liên kết thụ thể của các virus hợp bào đường hô hấp (RSV) – trong đó có viruscorona - với một loại emzyme trong phổi là hACE2. Mặc dù mới chỉ là giả thiết bước đầu nhưng chúng được cho là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tổn thương phổi do virus gây ra.
Có 3 loại coronavirus ái tính với hACE2 ở phổi đó là: SARS-CoV, HCoV-NL63 và 2019-nCoV. Vius có ái tính sẽ bám vào enzyme này, từ đó xâm nhập vào phổi và nhân lên rất mạnh, gây viêm phổi, suy hô hấp rồi dẫn đến tử vong.
HCoV-NL63 có ái tính với hACE2, nhưng lại bám dính không tốt vào enzyme này, vì thế mà vi rút gây bệnh rất nhẹ, khó sinh sôi ở phổi nên hiếm khi viêm phổi. SARS-CoV thì ngược lại, khi gặp hACE2 sẽ bám chặt vào, ngay lập tức virus xâm nhập phổi và sinh sôi rất mạnh, bệnh nhân nhanh chóng viêm phổi, vừa sáng ra bị sốt thì trưa chiều chụp X-quang tim phổi đã trắng xóa, bệnh nhân nhanh chóng suy hô hấp, tử vong.
Rất may mắn: 2019-nCoV ái lực cao nhưng khả năng bám dính không tốt vào hACE2. [9] Vì lí do đó, khả năng 2019-nCoV gây viêm phổi nặng là thấp và sẽ chủ yếu xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy giảm, người già có bệnh nền và bệnh mãn tính. Tất nhiên, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ nhiễm bệnh vì bé thơ bao giờ cũng nhạy cảm.
Những lưu ý về phòng bệnh
Theo tính toán của một số mô hình mô phỏng, dịch 2019-nCoV phải tới cuối tháng 2 hoặc trung tuần tháng 3 mới có thể dập tắt. Dĩ nhiên, các con số ước tính có thể thay đổi nếu có thêm dữ liệu. Vì thế, đứng trước một bệnh lạ chúng ta không nên chủ quan.
Thêm vào đó, chúng ta cũng không nên chỉ chú tâm vào coronavirus mà quên đi cúm mùa (họ Influenza) – một “kẻ giết người” độc ác mà theo ước tính của WHO gây ra 290.000-650.000 trường hợp tử vong trên thế giới mỗi năm do bệnh hô hấp đơn thuần [10]. Bộ Y tế và nhiều tổ chức công cộng đã phát đi các thông điệp về biện pháp phòng virus này nói riêng và các bệnh lây qua đường hô hấp nói chung.
Về cơ bản, rửa tay sạch và tránh phát tán dịch cơ thể là các cách phòng tránh hữu hiệu với các loại bệnh lây truyền nói chung. Hiện không ít người dân lựa chọn biện pháp đeo khẩu trang để bảo vệ mình và tránh lây bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý nếu đeo sai cách thì khả năng tác dụng ngược trở lại bởi khẩu trang khi đó lại chính là tác nhân gây nhiễm bệnh. Quan sát ngoài cộng động, vẫn có nhiều người dân, thậm chí nhân viên y tế vẫn đang đeo khẩu trang sai cách. Ví dụ thói quen rất nguy hiểm như chỉnh sửa khẩu trang, sờ tay nhiều lần vào khẩu trang, tháo khẩu trang khi nói chuyện rồi đeo lại, khi ho và hắt hơi tháo khẩu trang sau đó đeo vào.
Những người khi bị ho, hắt hơi, sốt bắt buộc phải đeo khẩu trang để tránh phát tán virus ra không khí và tránh lây bệnh cho người khác. Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, suy thận, xơ gan, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… cũng cần đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, đến bệnh viện. Khẩu trang không cần thiết phải đeo ở những nơi không có nguy cơ lây nhiễm, như trong công sở làm việc, trong gia đình.
Ngoài đeo khẩu trang và rửa tay sạch thì cần thay đổi những thói quen xấu như: khạc nhổ bừa bãi, xả rác đặc biệt là những giấy lau mũi miệng ra môi trường xung quanh, hôn hít trẻ em, thói quen thổi hoặc cho thức ăn vào miệng người lớn trước khi bón cho trẻ…
______________________
Tài liệu tham khảo:
[1] Bản đồ ca bệnh 2019-nCoV toàn cầu theo dõi theo thời gian thực, Trường đại học John Hopkins (Mỹ) thực hiện. Truy cập:
[3] Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID) hiện đã có bộ dữ liệu về virus BetaCoV từ Australia, trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Thái Lan, Đài Loan, Mỹ. Truy cập:
https://www.gisaid.org/
[6] "
Thông cáo của cuộc họp Ủy ban khẩn cấp các quy định y tế quốc tế liên quan đến sự bùng phát của coronavirus mới (2019-nCoV)", WHO, 23/1/2020, Truy cập:
link
[8] Cập nhật tình hình
SARS và
MERS của WHO