Nhìn vào tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều nơi, người ta dễ nghĩ Việt Nam đang thiếu nước. Nhưng PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho rằng chúng ta không thiếu nước mà chính xác hơn là chưa biết cách khai thác hợp lý, ví dụ như tích nước trong mùa mưa để phân bổ lại trong mùa khô.

Giải pháp mà ông cùng các đồng sự đưa ra1 sẽ góp phần giải quyết được nghịch lý này.

PGS Đoàn Văn Cánh (phải) nghiên cứu thoát nước khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC.
PGS Đoàn Văn Cánh (phải) nghiên cứu thoát nước khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC.

Thu và trả nước vào lòng đất

Có hai mảng đối lập ở Việt Nam hiện nay là tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp, thậm chí là cả thiếu nước sinh hoạt, ngày càng khốc liệt hơn và tình trạng ngập úng suốt mùa mưa. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?

Trước khi đi vào nói về tình trạng chung thì tôi phải nói ngay về trường hợp của Tây Nguyên - được coi là rất thiếu nước thực ra là không thiếu nước đâu, mà không giữ được nước. Theo kết quả chúng tôi khảo sát2 Tây Nguyên có lượng mưa trung bình là 84,81 - 93,79 tỷ m3/năm, tạo nên lượng dòng chảy mặt cỡ 46 - 49 tỷ m3/năm và dòng ngầm với 6,61 tỷ m3/năm, bình quân đầu người gần 15000 m3/năm. Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới thì Tây Nguyên nằm ngoài vùng căng thẳng về nước (bình quân đầu người 2500 m3/năm là vùng căng thẳng về nước). Như vậy đây không phải vùng thiếu nước.

Nhưng đấy là nói vào mùa mưa, và chúng ta không giữ được lượng nước này cho đến mùa khô. Tây Nguyên có đặc điểm riêng không giống nơi nào khác là toàn bộ hệ thống sông và nước dưới đất đều hình thành từ nước mưa chứ không nhận nước từ Lào, Campuchia hay Trung Quốc. Gần 80% lượng nước mưa xuống thoát ra dòng chảy mặt trên các hệ thống sông chính là Sê San, Sêrêpok đưa nước sang sông Mekong, Đồng Nai và Sông Ba chảy ra biển, một phần bốc hơi và chỉ còn một chút ngấm xuống đất, lại liên tục bị hút lên thì sẽ cạn. Vấn đề ở đây không phải là Tây Nguyên thiếu nước mà là thiếu giải pháp quy hoạch, điều phối nguồn nước giữa các mùa, thiếu giải pháp về công nghệ lưu giữ nước để nguồn nước vào mùa mưa được giữ lại, khai thác sử dụng vào mùa khô. Vì vậy, việc cần phải làm chính là giữ lượng nước dồi dào này, cho ngấm xuống đất. Cách tiếp cận này không chỉ cấp thiết với Tây Nguyên mà còn cần cho nhiều vùng nữa.

Nhìn rộng ra hơn, người ta hay nói Việt Nam mình thiếu nước. Không phải! nước không thiếu, không thừa vì ta vẫn có mùa mưa mà vấn đề chính là chúng ta chưa biết quy hoạch khai thác sử dụng hợp lý, chưa biết chuyển nước từ mùa này sang mùa kia, từ lưu vực này sang lưu vực kia, từ dạng này sang dạng khác: từ nước mưa xuống lòng đất, từ nước mặt vào lòng đất.

Đã có nhiều đề tài đưa ra phương án giải quyết vấn đề này rồi, thưa ông?

Chúng tôi đã đề xuất phương án phải bổ cập nước vào lòng đất thông qua bể chứa và các mũi khoan đưa nước từ trên mặt đất vào tầng chứa nước để chống úng ngập mặt đất và lấp đầy khoảng không gian tầng chứa nước “bị tháo khô” do hạ thấp mực nước trong quá trình khai thác nước.

Thứ nhất với các khu đô thị, sẽ gom nước mưa từ các nhà cao tầng, từ đường phố, sân vận động, từ những khoảnh đất trống... để đưa vào các mũi khoan. Loại nước mưa thu gom từ mái nhà có chất lượng hoàn toàn thỏa mãn với yêu cầu nước dùng làm nguồn phục vụ cấp nước. Còn nước trên vỉa hè, đường phố, trước khi cho thoát xuống dưới lòng đất cần tập trung trong các giao thông hào, hố đào để lắng lọc sơ bộ sau đó lọc rồi cho chảy vào các lỗ khoan. Giải pháp này có thể được thực hiện ở các thành phố, đặc biệt ở Hà Nội, sẽ như “bắn một mũi tên trúng hai đích”. Một mặt thoát được nước mưa nhanh chóng xuống lòng đất ngay tại vị trí úng ngập bằng những công trình đơn giản, không chiếm diện tích trên mặt, mặt khác chính lượng nước đó có thể bổ sung cho phần nước dưới đất đã bị lấy đi.

Công trình đưa nước mặt vào tầng chứa nước đang khai thác ở Schwerte- Đức. Ảnh: PGS Đoàn Văn Cánh cung cấp.
Công trình đưa nước mặt vào tầng chứa nước đang khai thác ở Schwerte- Đức. Ảnh: PGS Đoàn Văn Cánh cung cấp.

Những giải pháp thu gom nước mưa từ mái nhà, đường phố thoát nước vào lòng đất đã được xây dựng ở hầu khắp các thành phố của Anh, Mỹ, Úc, Đan Mạch, Hà Lan, đặc biệt ở Ấn Độ, Banglades, Nepal, Hawaii - những nước có điều kiện khí hậu, mưa nhiều tương tự như ở Việt Nam. Những nội dung chính của vấn đề này đã được chúng tôi công bố trong nhiều bài báo, báo cáo khoa học và sách chuyên khảo.

Đối với các khu vực rộng, có nhiều diện tích như Tây Nguyên thì cần làm nhiều hồ chứa lớn nhỏ sau đó đưa nước bổ cập vào tầng chứa nước. Song song với đó, dọc theo các trục đường và trong các trang trại cà phê có thể tạo rãnh thoát nước, đưa nước mưa vào hố lọc, xử lý sạch rồi bổ cập xuống lòng đất. Tôi nhấn mạnh là với địa hình của Tây Nguyên thì càng nhiều lỗ khoan, giếng đào bổ cập càng tốt.

Giải pháp này đã được ứng dụng trong thực tế chưa?

Chúng tôi làm nhiều rồi chứ. Ở Tây Nguyên, chúng tôi xây dựng các công trình thu gom nước mưa đưa vào lòng đất tại năm địa điểm thuộc các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Lâm Đồng. Ví dụ chúng tôi đã làm ba lỗ khoan, trong đó có hai lỗ khoan đưa nước xuống, một lỗ khai thác nước lên ở huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng. Một ví dụ khác ở Chư Pah, Gia Lai, ngay trường Dân tộc nội trú, nơi bao nhiêu năm không có nước, chúng tôi tiến hành khoan hai lỗ, một lỗ khoan đưa nước xuống, biến tầng chứa nước nghèo nước thành tầng có thể khai thác được, một lỗ khoan đưa nước lên để sử dụng. Công trình được làm từ năm 2009, năm ngoái chúng tôi vào khảo sát, cây cối xanh tốt, đủ nước sử dụng.

Thi công lỗ khoan bổ cập nước vào tầng ngậm nước ở Lâm Đồng. Ảnh: PGS Đoàn Văn Cánh cung cấp.
Thi công lỗ khoan bổ cập nước vào tầng ngậm nước ở Lâm Đồng. Ảnh: PGS Đoàn Văn Cánh cung cấp.

Ngay tại Hà Nội, chúng tôi khảo sát, đánh giá tính khả thi, thử nghiệm một lỗ khoan sâu 90 mét, đưa nước vào tầng nước ngầm ở một tòa nhà số 36A trên đường Phạm Văn Đồng. Nước mưa được thu gom và xử lý lọc, sau đó đưa mẫu nước mưa đi xét nghiệm, đảm bảo chất lượng. Tôi tiếc nhất là mặc dù đã kiến nghị nhiều năm nay, tại nhiều diễn đàn khoa học nhưng Hà Nội không triển khai được các giải pháp này. Hà Nội rất cần thu gom nước, không chỉ trả nước lại cho tầng ngậm nước mà sẽ giải quyết ngay được tình trạng lụt lội do úng nước mưa lâu nay (nói thêm một chút là điều kiện tầng chứa nước đang khai thác sử dụng của Hà Nội có thành phần cuội sỏi, khi khoan xuống sẽ hút nước nhanh, rất phù hợp cho giải pháp này).

Đề tài của chúng tôi đã xác lập được cơ sở khoa học của giải pháp thu gom nước mưa đưa vào lưu trữ trong lòng đất ở Tây Nguyên. Đó là cơ sở cho việc xây dựng các công trình thu gom nước mưa đưa vào lòng đất quy mô rộng tới mọi hộ gia đình, cơ quan trong thực tế ở khu vực này chứ không phải thử nghiệm nữa. Nhìn chung, hình thức này phù hợp với những vùng ở trên mặt thì dư thừa nước, còn trong lòng đất thì đang có nguy cơ hạ thấp mực nước ngầm quá mức (Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên), trong những vùng đang có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…), trong những vùng nghèo nước hay không có nước vào mùa khô hạn (vùng Đăk Nông, vùng địa hình karst Đông Bắc Việt Nam, vùng ven biển Trung và Nam Trung Bộ) chứ không chỉ riêng Tây Nguyên hay Hà Nội.

Ý tưởng này cũng đã được một vài địa phương, doanh nghiệp áp dụng nhưng chỉ là lẻ tẻ, điều quan trọng hơn là nó phải được đưa vào quy trình quy phạm, các quy hoạch. Nói thực là chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều lần, trong nhiều năm rồi nhưng dường như không được lắng nghe.

Và bây giờ bạn nhìn thấy gương của Hà Nội trong việc sử dụng tài nguyên nước, giữ nước mưa, nước mặt nước ngầm rất rõ nét: cứ kêu là khai thác nước ngầm cạn kiệt nước, trong khi nước mưa trên mặt thừa mà không biết đưa xuống. Tôi đã nói nhiều lắm rồi! Nếu tòa nhà nào cũng làm bể chứa, làm lỗ khoan bổ cập nước vào lòng đất thì sẽ không còn ngập nữa. Chúng tôi đã tính toán rồi, mỗi lỗ khoan thoát nước có thể đưa xuống được vài nghìn mét khối mỗi ngày [tùy theo đường kính lỗ khoan].

Ông vừa nói tới công tác quy hoạch và vấn đề tầng nước ngầm, cụ thể như thế nào?

Trước hết công tác quy hoạch xây dựng một thành phố phải xem xét đến mọi khía cạnh, trong đó phải xét đến đặc điểm địa chất thủy văn của vùng. Thế nhưng các quy hoạch đô thị không đưa các giải pháp này vào, quy hoạch đô thị họ không quan tâm tới nước ngầm mà mới chỉ quan tâm đến nền đất thôi, xây một ngôi nhà cao tầng họ điều tra về đất nền, nhưng tài nguyên nước thì không để ý, nên hệ quả là mùa thừa ngập úng, nhưng tạnh mưa cái là hết nước như ta đang phải gánh chịu.

Cụ thể là Hà Nội. Như đã trình bày ở trên, tầng chứa nước đang khai thác sử dụng cấp nước cho thành phố có chiều sâu phân bố trung bình từ 38 m trở xuống kể từ mặt đất. Như vậy các loại móng cọc chỉ được khống chế không sâu quá chiều sâu này, hoặc là xây dựng các nhà cao tầng ở những nơi không có tầng chứa nước, nghèo nước (ví dụ như ở vùng Thạch Thất, Quốc Oai…). Tất cả các công trình móng cọc trượt quá độ sâu 38 m đều làm thu hẹp chiều dày tầng chứa nước, nghĩa làm giảm trữ lượng tầng chứa nước. Rất tiếc là cho đến tận hôm nay chúng tôi chưa thấy một văn bản có tính pháp quy nào về đánh giá tác động của các loại móng cọc các nhà cao tầng đến tài nguyên nước dưới đất.

Đối với khu vực hai bên bờ sông - hành lang để nhận nước từ sông Hồng bổ cập vào tầng ngậm nước cho Hà Nội, lâu nay chúng tôi cho rằng, xét về mặt quản lý và phát triển tài nguyên nước thì các đô thị ven sông Hồng không được xây dựng cao tầng và chỉ được xây dựng cách xa sông một dải cây xanh. Do đó, Hà Nội phải dành quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống làm dải công viên cây xanh. Và trong dải ven sông này hãy dành một chút quỹ đất chỉ để xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất ven sông. Các công trình khai thác nước dưới đất ở đây có thể là giếng đứng, có thể là hành lang thu nước ven sông, hoặc có thể xây dựng các tuynel thu nước dưới đáy lòng sông. Đặc biệt với quỹ đất nằm giữa sông Đuống và sông Hồng, trữ lượng khai thác nước dưới đất sẽ được nước của hai sông đảm bảo cùng một lúc. Nếu phát triển đô thị ngay sát bờ sông mà không có các quy định cụ thể về hạn chế độ sâu của móng các tòa nhà thì sẽ làm cản trở nguồn nước sông bổ cập cho nước dưới đất.

Nhìn chung, tôi cho rằng cần phải triển khai một đề án điều tra chi tiết điều kiện địa chất thủy văn vùng Hà Nội, gắn liền với quy hoạch các bãi giếng, các loại hình khai thác nước. Kết quả đề án này sẽ được một hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước xem xét, phê duyệt, làm cơ sở cho Hà Nội xây dựng các dự án khai thác sử dụng các nguồn nước một cách hợp lý.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chú thích:

1 Các đề tài: Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí và phân vùng khai thác bền vững, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ, trong chương trình KC.08/11-15 về Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai; Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp thu gom nước mưa đưa vào lòng đất phục vụ chống hạn và bổ sung nhân tạo nước dưới đất vùng Tây Nguyên, Đề tài độc lập cấp nhà nước mã số ĐTĐL.2007G/44;

2 Đánh giá tài nguyên nước trong báo cáo tổng kết Đề tài KC.08.05.