Ảnh "cận cảnh" Mặt trời cho thấy một bề mặt với rất nhiều ngọn lửa nhỏ đang cháy.

Hình ảnh này - hình ảnh gần nhất của Mặt trời từng được chụp - cho thấy hàng ngàn ngọn lửa nhỏ. Đây là một trong những bức ảnh đầu tiên từ nhiệm vụ Tàu quỹ đạo Mặt trời của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Ảnh chụp Mặt trời từ khoảng cách 77 triệu km, gần nhất từ trước tới nay.

"Khi nhận ảnh này, suy nghĩ đầu tiên của tôi là không thể ngờ nó có chất lượng tốt đến như vậy," David Berghmans, người phụ trách công cụ Extreme Ultraviolet Imager (máy chụp ảnh tia cực tím) của Tàu, nói trong cuộc họp báo ngày 16/7. "Chất lượng ảnh cao hơn nhiều so với chúng tôi hy vọng."

"Nhìn qua thì Mặt trời có vẻ yên tĩnh," Berghmans, cũng là nhà vật lý mặt trời tại Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ, nhận xét. "Nhưng khi nhìn vào chi tiết, có rất nhiều ngọn lửa nhỏ bùng cháy."

Các ngọn lửa này có kích thước chỉ bằng một phần triệu hoặc một phần tỷ kích thước của các ngọn lửa Mặt trời nhìn thấy được từ Trái đất hay chính là những vụ phun trào năng lượng do các tương tác trong từ trường của Mặt trời gây ra.

Nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được, liệu hai hiện tượng có xuất phát từ cùng một quá trình hay không, nhưng họ suy đoán rằng hiệu ứng kết hợp của nhiều ngọn lửa có thể góp phần vào sức nóng của bầu khí quyển bên ngoài Mặt trời. Bầu khí quyển bên ngoài nóng hơn hàng trăm lần so với bản thân bề mặt Mặt trời, và nguyên nhân của hiện tượng này từ lâu vẫn là bí ẩn.

Những bức ảnh, được chụp bởi máy chụp ảnh tia cực tím vào ngày 30/5 và được công bố vào ngày 16/7, chụp từ khoảng cách 77 triệu km từ bề mặt Mặt trời (Trái đất cách Mặt trời khoảng 150 triệu km).

Các nhà khoa học tỏ ra rất phấn khích về tiềm năng của Tàu quỹ đạo Mặt trời, một nhiệm vụ hợp tác quốc tế triển khai vào tháng 2 năm nay và mang theo 10 công cụ để chụp ảnh Mặt trời và nghiên cứu môi trường Mặt trời.

"Chúng ta chưa bao giờ mang máy ảnh đến gần Mặt trời hơn thế, và đây mới chỉ là khởi đầu của một hành trình dài của Tàu thăm dò, nó sẽ còn đưa chúng ta đến gần Mặt trời hơn trong hai năm tới," Daniel Müller, nhà khoa học của nhiệm vụ, cho biết tại buổi họp báo. Khi ở vị trí gần nhất, tàu sẽ cách mặt trời 42 triệu km, và sẽ mất khoảng hai năm để tàu đạt được quỹ đạo này.

Trước đó, một nhiệm vụ táo bạo của NASA có tên là Tàu thăm dò Parker Solar đã bay đến gần Mặt trời hơn, ở khoảng cách thuộc vào phạm vi bầu khí quyển bên ngoài. Nhưng nó không thể mang theo camera chụp trực diện Mặt trời do môi trường quá khắc nghiệt. Parker Solar được phóng từ tháng 8 năm ngoái, dự kiến sẽ có 24 lần tiếp cận Mặt Trời trong 7 năm tới và khoảng cách gần nhất mà tàu có thể tiếp cận Mặt trời là 6 triệu km.

Trong khi đó, trên Trái đất, Kính thiên văn Mặt trời Daniel K. Inoye ở Hawaii - kính viễn vọng Mặt trời lớn và hiện đại nhất hiện nay của Quỹ Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NSF) - đã chụp ảnh Mặt trời có độ phân giải cao hơn so với ảnh lần này của Tàu quỹ đạo, nhưng không thu được toàn bộ ánh sáng Mặt trời vì bị bầu khí quyển Trái đất lọc ra một số bước sóng tia cực tím và tia X.

Ảnh Mặt trời chụp từ Kính thiên văn Mặt trời Daniel K. Inoye.


Nguồn: