Dự báo thời tiết đã trở nên kém chính xác hơn trong đại dịch COVID-19 do số lượng các chuyến bay thương mại giảm, theo nghiên cứu mới. Tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng khi vào mùa mưa bão.

Máy bay thường thông báo dự báo thời tiết bằng cách ghi lại thông tin về nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, áp suất không khí và gió dọc theo đường bay của chúng. Ít chuyến bay hơn có nghĩa là các dự báo về các điều kiện khí tượng trở nên kém chính xác hơn, và mức độ chính xác sẽ càng giảm mạnh đối với các dự báo thời tiết dài hạn. Khả năng nắm bắt các dấu hiệu cảnh báo sớm về các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, như mưa bão, cũng có thể bị ảnh hưởng.

Dự báo thời tiết là một phần thiết yếu của cuộc sống hằng ngày, và dự báo không chính xác cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, theo Ying Chen, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Môi trường Lancaster, Vương quốc Anh và là tác giả chính của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.

Độ chính xác của dự báo thời tiết có thể tác động đến nông nghiệp cũng như ngành năng lượng và sự ổn định của lưới điện. Tua bin gió dựa vào dự báo thời tiết về tốc độ gió, và các công ty năng lượng phụ thuộc vào dự báo nhiệt độ để dự đoán mức tải năng lượng thay đổi mỗi ngày do mức sử dụng điều hòa nhiệt độ. "Nếu sự không chắc chắn này vượt quá ngưỡng, lưới điện sẽ trở nên bất ổn," Chen nói. "Có thể dẫn đến mất điện, tình trạng không ai mong muốn nhất trong đại dịch này."

Khi so sánh độ chính xác của dự báo thời tiết từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020 với cùng kỳ năm 2017, 2018 và 2019, Chen nhận thấy dự báo năm 2020 kém chính xác hơn về nhiệt độ, độ ẩm tương đối, tốc độ gió và áp suất không khí, trong đó dự báo áp suất không khí và tốc độ gió không bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn (1 - 3 ngày) nhưng sẽ trở nên kém chính xác hơn khi dự báo dài hạn (4 - 8 ngày).

Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do dự báo thời tiết mất chính xác là những khu vực có lưu lượng hàng không cao nhất, như Mỹ, đông nam Trung Quốc và Úc; cũng như các khu vực bị cô lập như sa mạc Sahara, Greenland và Nam Cực.

Tây Âu là một ngoại lệ đáng chú ý: dự báo thời tiết của họ tương đối không bị ảnh hưởng mặc dù số lượng chuyến bay trong khu vực giảm 80-90%.

Điều này thật đáng ngạc nhiên, Chen nói và cho rằng có thể do Tây Âu có một mạng lưới dày đặc gồm hơn 1.500 trạm khí tượng và các phép đo khinh khí cầu để bù đắp cho việc thiếu dữ liệu quan sát khí tượngtừ các chuyến bay. "Kết quả này cho chúng ta biết rằng nên có nhiều điểm quan sát hơn, đặc biệt là ở các khu vực dữ liệu thưa thớt", Chen nói. "Cải thiện hệ thống quan sát sẽ giúp hạn chế tác động của các tình trạng khẩn cấp toàn cầu tương tự trong tương lai."

Tuy nhiên, thời tiết châu Âu cũng không có nhiều biến động trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020, giúp dự báo dễ dàng hơn với ít dữ liệu, theo Jim Haywood, giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Exeter, Vương quốc Anh, người không tham gia vào nghiên cứu mới.

Chen cũng thấy rằng dự báo lượng mưa trên khắp thế giới đã không bị ảnh hưởng đáng kể, bởi vì dự báo lượng mưa có thể dựa vào các quan sát vệ tinh.

Hiện có khoảng 3.500 máy bay và 40 hãng hàng không thương mại cung cấp hơn 700.000 báo cáo khí tượng mỗi ngày.

Nguồn:

https://phys.org/news/2020-07-coronavirus-messing-weather.html