Tuy chỉ tập hợp những tiểu luận riêng lẻ nhưng Theo dòng lịch sử (2017) của GS Nguyễn Thế Anh không gây cảm giác rời rạc, vụn vặt mà trái lại, khá liền mạch, thống nhất khi tác giả luôn trở đi trở lại vấn đề triều Nguyễn dưới các góc nhìn khác nhau.

Lý thuyết chính trị Khổng giáo không còn hiệu quả

Từng bị mang nhiều điều tiếng xấu, triều Nguyễn, theo cách tiếp cận của Nguyễn Thế Anh, thực tế lại đòi hỏi nhiều nhận thức mới, nhận thức lại. Chẳng hạn, chuyện Tự Đức đã nỗ lực cập nhật các nguyên tắc chính trị Khổng giáo như thế nào để đương đầu với áp lực của chủ nghĩa thực dân khi đó.

Lên ngôi cuối năm 1847, Tự Đức gánh trên vai hàng loạt thử thách và khó khăn dồn lại. “Trong khi những tai họa như lụt lội, hạn hán, nạn đói và dịch tễ, với hậu quả là khủng hoảng kinh tế và biến động xã hội, đồng loạt xảy ra để góp phần vào sự suy yếu tổng quát của vương quốc, chế độ càng ngày càng tỏ rõ các triệu chứng một sự rối loại và tê liệt nội bộ”- tác giả nhận định.

Tự Đức phải gấp rút chấn chỉnh phẩm chất của quan viên dưới quyền, giảm bớt 139 viên chức tại 24 nha ở kinh, 142 viên chức ở các tỉnh, phủ, đạo. Ông lập các nha Doanh điền để chăm lo nông nghiệp, khai khẩn đất hoang; bổ chức Khâm sai kinh lý hà để chuyên lo vấn đề trị thủy, ngăn chặn lụt lội; giảm nhẹ suất thuế đánh lên ruộng công tại các tỉnh từ phía Bắc Quảng Bình trở ra…

Song các hành động của Tự Đức, vốn chiểu theo nguyên tắc của lý thuyết chính trị Khổng giáo, không đem lại hiệu quả tích cực, còn bản thân giới quan viên thì quá chậm chạp và cứng nhắc. Chế độ khoa cử bất lực tiến cử người tài, những đề đạt cải cách của Nguyễn Trường Tộ không phải không được đón nhận, nhưng giới sĩ phu trong triều đã tìm cách biện luận lợi và hại từ sự cải cách đó, dẫn đến bỏ ngỏ cơ hội thay đổi. Tự Đức, khi chịu trách nhiệm với hiệp ước nhượng đất cho Pháp, “bị giày vò bởi ý nghĩ là đã không làm tròn nhiệm vụ”.

Cuốn sách của sử gia Nguyễn Thế Anh, hiện sống ở Pháp, dày 367 trang.

Khủng hoảng nội tại bắt nguồn từ các vấn đề kinh tế

Xã hội Việt Nam vào giữa thế kỉ XIX, theo Nguyễn Thế Anh, có nhiều khủng hoảng nội tại bắt nguồn sâu xa từ các vấn đề kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp khép kín, phục vụ tiêu dùng tại chỗ khiến người nông dân chẳng có nhu cầu trao đổi thương mại. Nếu gặp mất mùa, lương thực dự trữ sẽ cạn kiệt trong khi nhân khẩu không ngừng gia tăng.

Bản thân giới chức trách địa phương thì “lẩn quất trong một thái độ khinh bỉ gần như tổng quát đối với các nghề không được coi là bản nghiệp” nên thật ngược đời, các thợ thủ công khéo phải giấu nghề, ít trổ tài vì họ sợ phải tới làm việc tại các xưởng chế tạo của triều đình “trả lương thì ít mà kỉ luật lại là kỉ luật nhà binh, rất chặt chẽ”.

Có thể nói, triều Nguyễn dưới thời Thiệu Trị vàTự Đức đã không hề tạo điều kiện cho tư nhân làm giàu. Do đó, xã hội không nảy nở “một giai cấp trung lưu ý thức được cá tính riêng biệt của mình để có thể đương đầu với giới sĩ phu lãnh đạo”.

Mâu thuẫn càng lớn khi giới sĩ phu tỏ ra rất lúng túng trước nhiều vấn đề cấp bách, họ chỉ áp các giải pháp lâu đời có trong sách vở thánh hiền.

Không dám mạo hiểm theo đuổi những cải cách cấp tiến

Bất lực trong việc đánh giá tầm quan trọng của sự thách thức đến từ phương Tây, triều Nguyễn, xét cho cùng, cũng không hiểu thấu tinh thần của các tư tưởng hiện đại nhưng bị coi là ngoại lai. Các mô hình “hành động mới” không ưu thắng được tính ưu việt của Khổng giáo do bộ phận lớn quan lại triều đình duy trì.

Hầu như không một ai trong triều bấy giờ có kiến thức sâu rộng về tư tưởng và kĩ thuật phương Tây để có thể đứng ra lĩnh xướng tiếp nhận, thích ứng. Ngoại lệ Nguyễn Trường Tộ, rủi thay, lại xuất thân từ Ki-tô giáo là lí lịch mà nhà Nguyễn rất cảnh giác, và lại phải chịu đựng thái độ ghét bỏ cái mới “xuất phát từ chính chủ nghĩa bảo thủ”.

Theo Nguyễn Thế Anh, vì phải vật lộn với các khó khăn chính trị, quân sự và kinh tế, triều đình đã không có đủ “sự thong thả”, một điều kiện tâm lí cần thiết để có thể bình tĩnh đánh giá phương sách nào là tối ưu. Hoàn cảnh ấy khiến họ “quay về các giá trị cổ truyền” thay vì mạo hiểm đuổi theo các yêu cầu canh tân, cải cách cấp tiến.

Một tiểu luận khác,“Làng xã đối diện chính phủ: Diễn tiến của quan hệ trung ương – địa phương tại Việt Nam cho đến năm 1945”,tuy phạm vi bàn luận rộng hơn nhưng vẫn liên quan đến nhà Nguyễn và càng cho thấy một điều: việc áp dụng tổng thể các nguyên tắc Khổng giáo trên làng xã đã không diễn ra như ý muốn của triều đình.

Mặc dù lập ra tổng, một đơn vị hành chính gồm từ hai đến năm xã trở lên, nhằm kết nối làng xã với chính quyền trung ương, nhưng nhà Nguyễn không thu hẹp được khoảng cách với người dân. Ngoài thu thuế và trưng dụng nhân lực cho quân đội, sự hiện diện của nhà vua ở làng xã chủ yếu qua các sắc phong thần, thánh làng.

Một khi ký và đóng ấn đỏ lên sắc chỉ, tác giả bình luận, “nhà vua như qua đó dứt khoát trút trách nhiệm cai trị tốt đẹp cho làng ấy”!Tình trạng xa cách đó khiến triều đình không thể kiểm soát việc tranh giành đất đai, khía cạnh sinh kế quan trọng bậc nhất của người nông dân, và nhanh chóng phó mặc việc quản lí thôn xã cho chính quyền thuộc địa Pháp.

Xin nhắc lại đây một luận điểm đáng lưu tâm của GS Nguyễn Thế Anh: cộng đồng người Hoa là một thành phần căn bản trong cơ cấu nền ngoại thương của Việt Nam triều Nguyễn. Nhà vua coi Trung Hoa là một thị trường mênh mông nhưng lại cố tránh trực tiếp nhập cảng hàng hóa từ đấy. Triều đình thường cho phép buôn bán với người Hoa thông qua bộ phận trung gian (các xã trưởng Minh hương) nhưng vẫn có hẳn những quyết định (vào các năm 1837, 1838) ngăn chặn xuất lậu gạo và nhập lậu thuốc phiện. Tuy nhiên ưu thế trong các giao dịch thương mại của người Hoa không sụt giảm vì họ luôn có mạng lưới các mối quan hệ với cộng đồng người Hoa ở khắp vùng Đông Nam Á.

***

Nếu đặt Theo dòng lịch sử bên cạnh các chuyên khảo gây tiếng vang trước đó như Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn (1968), Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ (1970) hay Phong trào kháng thuế ở miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân (1973), ta sẽ thấy một quá trình nghiền ngẫm các sử liệu và tìm cách tiếp cận vấn đề rất khoa học của GS Nguyễn Thế Anh.

Có thể nói, một trong những sở trường và là đóng góp sử học của ông là những phân tích về kinh tế học, xã hội học. Chính lối phân tích giàu thông tin, con số và lập luận này đã làm các nghiên cứu sử của ông không bị đơn giản hóa, hoặc chỉ thuần túy sử liệu, sự kiện chính trị, triều chính.

Ở ông, người đọc bắt gặp một sử gia duy lí, khách quan nhưng cẩn trọng, và hơn nữa, bắt gặp một trí thức biết cách chia sẻ thấu tình rõ lý những khúc mắc, thành công và thất bại của quá khứ để hôm nay bớt phiến diện, định kiến hơn.