Tôn Sĩ Nghị vẫn tham bắt sống Nguyễn (Huệ) lập công, không lập tức rút quân về, lại khinh địch, không phòng bị, sai giải tán những nghĩa dũng, thổ quân... Họ Nguyễn do thám rõ hư thực, cuối năm dốc hết toàn quân ra tập kích quốc đô, nói dối là ra hàng.

Bấy giờ, Nguyễn Huệ đã lánh về Phú Xuân, Tôn Sĩ Nghị mưu tính đóng thuyền truy thảo, Tôn Vĩnh Thanh tâu rằng: “Quảng Nam còn cách đô kỳ họ Lê đến hai ngàn dặm, dùng một vạn quân, đặt trạm lương phải dùng mười vạn phu dịch, bằng từ Trấn Nam quan đến đô thành họ Lê.” Hoàng đế thấy An Nam bị tàn phá rỗng không, vả họ Lê mấy đời suy yếu, việc hưng phế chưa hẳn không phải là vận số vậy. Đã đường xa, lương khó, không có lí gì mà lại để quân ở bên ngoài lâu ngày mà lùng bắt thay cho (họ Lê) được, bèn xuống chiếu lập tức lui binh ra khỏi quan ải.

Nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn tham bắt sống Nguyễn (Huệ) lập công, không lập tức rút quân về, lại khinh địch, không phòng bị, sai giải tán những nghĩa dũng, thổ quân, đóng quân ở kinh thành họ Lê hơn một tháng. Họ Nguyễn do thám rõ hư thực, cuối năm dốc hết toàn quân ra tập kích quốc đô, nói dối là ra hàng. Bọn Sĩ Nghị tin lời dối trá, thản nhiên không hay biết gì.

Mồng một tháng Giêng năm thứ năm mươi tư (1789), trong quân bày rượu tấu nhạc, đang đêm bỗng có tin báo quân Nguyễn (Huệ) đã đến nơi, mới hốt hoảng chống cự. Quân địch dùng voi chở đại pháo xung phá quân ta, quân ít không địch nổi số đông, trong đêm đen tự dẫm đạp lên nhau mà chạy. Lê Duy Kỳ đã đem theo gia quyến chạy trước, quân Điền (Vân Nam) nghe tiếng pháo cũng rút chạy. Tôn Sĩ Nghị đoạt đường vượt sông Phú Lương, rồi lập tức chặt cầu phao để đoạn hậu, vì vậy những quân còn lại trên bờ, Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương Triều Long, cùng quan quân phu dịch hơn vạn người, đều chen nhau chết đuối cả. Bấy giờ Sĩ Nghị chạy về Trấn Nam quan, đốt bỏ hết những lương thảo khí giới ở ngoài ải đến mấy chục vạn, quân mã quay về được không tới một nửa.

Còn quân Vân Nam, nhờ có bề tôi họ Lê là Hoàng Văn Thông (黃 匡 繫) hướng đạo, nên được toàn quân trở về. Mẹ con Lê Duy Kỳ lại chạy sang nương nhờ. Tấu dâng lên, Hoàng đế thấy Sĩ Nghị không sớm lui quân, mà lại trễ nải không phòng bị, khiến làm mất uy nước, tổn tướng sĩ, bèn lột chức đưa về kinh đợi tội, mà lấy Phúc Khang An (르 영 갛) thay chức ấy.

Nguyễn Huệ tự biết rằng chuốc họa, sợ quân triều đình trở lại thảo phạt, lại vừa đánh nhau với Xiêm La, sợ Xiêm La sẽ thừa cơ đánh sau lưng mình, vì vậy bèn gõ cửa quan tạ tội xin hàng, đổi tên là Nguyễn Quang Bình (
阮光平), sai con trai của anh mình là Quang Hiển (光顯) mang biểu sang cống, khẩn xin phong hiệu. Đại lược nói, mình giữ Quảng Nam đã chín đời, với An Nam là địch quốc chứ không phải quân thần. Vả chăng chỉ là Man Xúc tranh nhau[1], chứ chẳng dám chống lại Trung Quốc, xin năm sau sẽ đích thân đến kinh sư yết kiến, và ở trong nước sẽ đắp đàn, dựng miếu cho các tướng sĩ chết trận, xin ban cho quan hàm và thụy hiệu, để lập thần chủ phụng thờ. Lại nghe cống sứ của Xiêm La sắp vào kinh, sợ rằng (thiên triều) sẽ nghe theo những điều giá họa gây tội của họ, xin thiên triều chớ nghe lời ấy. Phúc Khang An đều trước sau tâu báo về triều.

Hoàng đế thấy Duy Kỳ lại lần nữa bỏ nước, mà không thể giữ được sách phong và ấn, thì ấy là trời chán ghét họ Lê, chẳng thể tự còn được nữa. Mà Nguyễn Quang Bình thì đã xin đích thân sang yết kiến, chẳng phải như họ Mạc, họ Lê trước đây chỉ đem cống người vàng thế thân mà thôi. Vả, An Nam từ cuối đời Ngũ Đại tới đây, các họ Khúc, Kiểu[2], Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Mạc thôn tính lẫn nhau, đời trước từng đặt đất đó làm quận huyện, nhưng phản trắc vô thường, khiến phải luôn lo nghĩ đến phương nam. Vì vậy bèn ưng theo lời xin, lập tức phong Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương...

...


Năm thứ năm mươi lăm (1790), Nguyễn Quang Bình sang chầu chúc phúc, xin phong cho con trưởng Nguyễn Quang Toản (
阮光纘) làm Thế tử. Tháng Bảy, (Quang Bình) vào yết kiến ở Nhiệt Hà sơn trang, ban thứ ở dưới hàng thân vương, mà ở trên quận vương, được tặng thơ ngự chế, nhận mũ đai rồi về. Kỳ thực là Quang Bình sai em mình mạo danh mà đến, chứ Quanh Bình chưa dám đích thân đến vậy, có thể thấy dối trá đến như thế![3]


[1]. Man Xúc tranh nhau: Ý nói hai nước nhỏ nhoi không đáng kể tranh giành lẫn nhau. Theo Trang tử - Tắc Dương chép: “Trên râu bên trái con sên có một nước tên là Xúc thị, trên râu bên phải con sên có một nước tên là Man thị, thường luôn vì tranh giành đất đai mà đánh nhau, thây chết đến mấy vạn...”

[2]. Chỉ Kiểu Công Tiễn.

[3]. Đại Nam liệt truyện - Ngụy Tây liệt truyện (Viện Sử học, NXB Thuận Hoá, 2006) chép “Huệ bèn thác làm có bệnh kéo dài, mới đem cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị trá mạo làm Huệ để đi, rồi sai đem phương vật tạ ơn.” Việc vua Quang Trung có tự mình sang nhà Thanh hay không còn nhiều tranh cãi, xin để tồn nghi.

Đoạn trích trên là một phần ghi chép về Việt Nam trong Thanh sử cảo, quyển 527, phần Thuộc quốc, đã được Châu Hải Đường dịch và xuất bản trong "An Nam Truyện" (NXB Hội Nhà văn, tháng 3/2018).

Dịch giả, nhà nghiên cứu Châu Hải Đường nhấn mạnh, “những quan điểm hay thậm chí là ngôn ngữ, cách hành văn đều là quan điểm của các sử gia Trung Quốc xưa. Chúng ta đọc để hiểu, để so sánh, để tìm tòi khám phá một góc nhìn khác của sử Việt”.

Đơn vị xuất bản cuốn sách cũng đề xuất độc giả tiếp cận cuốn sách như một tài liệu tham khảo, "và nhất thiết, phải đọc sách trong tinh thần phản biện, so sánh, đối chiếu thêm với nhiều nguồn sử liệu khác".