Lần đầu tiên một cuốn sách dịch và biên soạn có hệ thống những ghi chép về Việt Nam trong các bộ chính sử Trung Quốc xưa đã được xuất bản.




An Nam Truyện do dịch giả, nhà nghiên cứu độc lập Châu Hải Đường, tên thật là Lê Tiến Đạt, sinh năm 1974, thực hiện và được Tao Đàn phát hành tuần trước.


Theo nhà nghiên cứu hiện sống ở Hà Nội, ông đã tuyển dịch những truyện có thông tin liên quan đến Việt Nam, về Việt Nam từ 17 trong số 26 bộ chính sử Trung Quốc xưa, bao trùm một khoảng thời gian dài, từ thời nhà Tần, Hán trước Công nguyên đến năm 1911, khi cuộc Cách mạng Tân Hợi chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng ở nước này.


Đó là các bộ: Sử ký Tư Mã Thiên; Hán thư; Hậu Hán thư; Tam Quốc chí; Tấn thư; Tống thư; Nam Tề thư; Lương thư; Trần thư; Tùy thư; Cựu Đường thư; Tân Đường thư; Tân Ngũ đại sử; Tống sử; Nguyên sử; Minh sử; và Thanh sử cảo.


Những bộ không được chọn hoặc là do không có thông tin liên quan đến Việt Nam, hoặc có thông tin nhưng là chép lại từ các bộ khác.


Sách được chia làm ba phần: An Nam Truyện trong chính sử Trung Quốc xưa; Các nhân vật tiêu biểu trong chính sử Trung Quốc xưa tại An Nam; Chiêm Thành - Phù Nam - Chân Lạp.


Ghi chép trong chính sử là những ghi chép của sử quan được Sử quán và nhiều người thẩm định chọn lọc từ nhiều nguồn sử liệu uy tín. Tuy nhiên, trong lời Dẫn của cuốn sách, dịch giả, nhà nghiên cứu Châu Hải Đường không quên nhấn mạnh rằng, “những quan điểm hay thậm chí là ngôn ngữ, cách hành văn đều là quan điểm của các sử gia Trung Quốc xưa. Chúng ta đọc để hiểu, để so sánh, để tìm tòi khám phá một góc nhìn khác của sử Việt”.


Bản thân đơn vị xuất bản cuốn sách cũng đề xuất độc giả tiếp cận cuốn sách như một tài liệu tham khảo, "và nhất thiết, phải đọc sách trong tinh thần phản biện, so sánh, đối chiếu thêm với nhiều nguồn sử liệu khác".