Cuối tháng 5, doanh nghiệp tư nhân SpaceX phóng thành công tàu SpaceX’s Crew Dragon để đưa người vào vũ trụ, sau đó tàu "cập bến" Trạm vũ trụ quốc tế. Đây là một dấu mốc quan trọng, được coi là mở ra kỷ nguyên mới cho các doanh nghiệp vũ trụ tư nhân. Hãy cùng nhìn lại toàn cảnh dấu mốc lịch sử này và lý giải con đường đi đến thành công của Space X.

Hai phi hành gia của NASA, Dough Hurley và Bob Behnken là những nhà du hành vũ trụ đầu tiên được đưa lên quỹ đạo trên một chiếc tàu được công ty tư nhân chế tạo. Ảnh: Bill Ingalls/AP/Shutterstock
Hai phi hành gia của NASA, Dough Hurley và Bob Behnken là những nhà du hành vũ trụ đầu tiên được đưa lên quỹ đạo trên một chiếc tàu được công ty tư nhân chế tạo. Ảnh: Bill Ingalls/AP/Shutterstock

Hai phi hành gia Robert Behnken và Douglas Hurley đã lái chiếc tàu vũ trụ Crew Dragon tới Trạm Vũ Trụ Quốc Tế (ISS). Khoảng 19 giờ sau khi được phóng, chiếc tàu đã cập bến tới trạm vũ trụ, sau đó họ đã di chuyển vào bên trong để tham gia cùng với ba phi hành gia khác đang sống và làm việc ở đây từ tháng tư. Sự kiện phóng thành công tàu SpaceX đã đánh dấu một mốc quan trọng trong du hành vào vũ trụ của con người. Đây là lần đầu tiên một công ty tư nhân đưa con người lên quỹ đạo, và cũng là lần đầu tiên các phi hành gia được phóng trên lãnh thổ của Mỹ kể từ khi NASA cho Tàu Con Thoi “nghỉ hưu” vào năm 2011.

Có lẽ điều quan trọng nhất là lần đầu tiên trong 17 năm qua, một loại tàu vũ trụ mới được ra mắt và đưa con người lên quỹ đạo Trái đất. Như Robert Cabana, một cựu phi hành gia của NASA, hiện là giám đốc của Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, đã nói rằng “Đây là một cách hoàn toàn mới để đưa con người vào không gian”.

Chuyến bay thương mại

Sự kiện phóng tàu lần này là kết quả của chiến lược lâu dài của NASA, nhằm chuyển từ việc sử dụng các phương tiện của NASA để đưa các phi hành gia vào vũ trụ sang thuê hẳn các công ty tư nhân để làm việc này. Kể từ năm 2011, NASA đã phải dựa vào tàu Soyuz của Nga vốn được thiết kế từ những năm 1960 để đưa người lên quỹ đạo. Nhưng với việc phóng thành công tàu của SpaceX, cơ quan vũ trụ sẽ bắt đầu sử dụng tàu Crew Dragon để đưa các phi hành gia đến và rời khỏi ISS.

Công ty SpaceX ở Hawthorne, California, đã đi tiên phong trong lĩnh vực hàng không vũ trụ tư nhân. Công ty này đã vận chuyển hàng hóa cập bến và rời đi từ ISS kể từ năm 2012. Đây là công ty đầu tiên trong số hai công ty được NASA lựa chọn để thực hiện thử nghiệm một chuyến bay lên vũ trụ có phi hành đoàn, và công ty SpaceX đã vượt lên trước trong cuộc đua này bằng cách sử dụng cùng một thiết kế tàu vũ trụ mà công ty đã sử dụng trước đó để vận chuyển hàng hóa. Trong chuyến bay lần này, chiếc tàu chỉ việc đưa thêm các phi hành gia. Đối thủ của SpaceX là Boeing, có trụ sở tại Chicago, Illinois đã bị bỏ lại rất xa ở phía sau. Tàu vũ trụ của Boeing, có tên là Starliner, đã bay khoảng hai ngày trên quỹ đạo Trái đất mà không có phi hành đoàn vào tháng 12 năm ngoái và đã gặp phải một số vấn đề, bao gồm một lỗi phần mềm rất quan trọng trong việc tính toán thời gian. Starliner sẽ thực hiện một chuyến bay thử nghiệm khác không có phi hành đoàn trong những tháng tới và gần như không có khả năng vận chuyển các phi hành gia cho đến năm sau.

Chiếc tàu vũ trụ hình đầu đạn

Chiếc tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon được phóng tới trạm Vũ Trụ Quốc Tế đặt trên tên lửa Falcon 9. Ảnh: SpaceX
Tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon được phóng tới trạm Vũ Trụ Quốc Tế đặt trên tên lửa Falcon 9. Ảnh: SpaceX

Crew Dragon là chiếc tàu vũ trụ có hình viên đạn dài 8.1 mét, rộng 4 mét, gần giống với đầu của tàu vũ trụ Apollo đã đưa các phi hành gia của NASA lên Mặt trăng, trong khoảng những năm 1969 và năm 1972. Crew Dragon có thể chở tới bốn người thực hiện các nhiệm vụ của NASA. Tàu được phóng bằng cách gắn trên một tên lửa Falcon 9 của SpaceX, điều này đã làm giảm chi phí đưa vệ tinh lên vũ trụ, một phần là do chúng tái sử dụng các bộ phận đắt tiền như các động cơ đẩy tên lửa. Ước tính rằng NASA sẽ phải trả khoảng 60 triệu USD cho một chỗ trên chiếc tàu Crew Dragon, trong khi đó cơ quan này đã phải trả 90 triệu USD cho cơ quan vũ trụ của Nga cho các chỗ ngồi trên con tàu Soyuz trong nhiều năm qua.

Bất kỳ loại tàu vũ trụ mới nào khi lần đầu tiên cất cánh mang theo phi hành đoàn đều gây ra nhiều lo lắng và hồi hộp đến nghẹt thở. Trong lịch sử đã có nhiều phi hành gia thiệt mạng trong qúa trình thực hiện sứ mệnh chinh phục không gian. Trong lần bay này, Behnken và Hurley là hai cựu phi công chuyên lái thử nghiệm máy bay của quân đội Mỹ, đồng thời cũng là các phi hành gia kỳ cựu, đã từng bay hai lần trên tàu con thoi. Trong một cuộc họp ngắn với các phóng viên ngày 1/5, cả hai đã nói rằng họ cảm thấy việc bay trên tàu Crew Dragon ít rủi ro hơn so với bay trên tàu con thoi, với họ tàu con thoi giống như một chiếc máy bay không gian rất lớn. Herley phát biểu “Nói chung, thiết kế hình viên đạn an toàn hơn một chiếc xe có cánh”. Chẳng hạn, nếu có sự cố xảy ra trên tàu Crew Dragon, các phi hành gia có nhiều cơ hội để từ bỏ nhiệm vụ hơn so với ở trên tàu con thoi - nếu có sự cố xảy ra ngay sau khi phóng, họ có thể chạy 8 động cơ đặc biệt để điều khiển phần khoang hình viên đạn ra khỏi tên lửa Falcon 9, sau đó mở dù và đáp xuống biển.

Sau khi đến trạm Vũ trụ Quốc tế một cách an toàn, các phi hành gia sẽ sống và làm việc ở đây trong một khoảng thời gian từ một đến bốn tháng. Trong thời gian đó, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ khác, họ cũng sẽ hỗ trợ nhiều dự án nghiên cứu khác nhau đang được thực hiện ở trên trạm, chẳng hạn như các thí nghiệm nghiên cứu cách thức ngọn lửa cháy và cách thực vật hấp thụ nước khi được trồng trong không gian. Trong tháng một vừa qua, các phi hành gia Christina Koch và Jessica Meir đã nâng cấp một phần quan trọng trong phòng thí nghiệm làm lạnh nguyên tử ở trên trạm, ở đó các đám mây nguyên tử được làm lạnh đến gần “0” độ tuyệt đối để quan sát cách thức chúng hoạt động như thế nào trong điều kiện lực hấp dẫn gần như bằng không. Kamal Oudrhiri, người quản lý dự án tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực ở Pasadena, California cho biết, việc không thể thiếu được Koch và Meir trong quá trình tám ngày hoàn thiện nâng cấp phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng các nhà du hành vũ trụ có thể tạo ra những đóng góp quan trọng cho khoa học ở ngay trên quỹ đạo.

Hoàn cảnh đặc biệt trong bối cảnh Covid-19

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự kiện phóng tàu mang tính lịch sử này không giống bất kỳ lần phóng nào trước đây được tiến hành ở trung tâm lưu trữ không gian Florida. NASA đã cảnh báo dân chúng không nên tụ tập ở các bãi biển gần đó để theo dõi sự kiện phóng tàu SpaceX như trước kia mà nên xem trực tiếp trên mạng. Khi Behnken và Hurley đến Cape vào ngày 20/5, giám đốc của NASA, ông Jim Bridenstine, đã đón tiếp họ ở ngay trên đường băng. Điều thú vị, ông đã đứng cách các nhà du hành 2 mét theo đúng yêu cầu giãn cách xã hội, và các phi hành gia cũng phải trải qua một thời gian cách ly dài trước khi phóng tàu, để chắc chắn rằng sẽ không mang bất kỳ mầm bệnh nào lên trạm vũ trụ.

Sau sự kiện thành công lần này, NASA sẽ tập trung nguồn lực cho mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, mục tiêu đó ngày càng trở nên khó khả thi. Trong thời gian qua, NASA đã bắt đầu mua một số dịch vụ cần thiết. Ví dụ, cơ quan này đã ký hợp đồng với các công ty để phát triển các thiết bị đổ bộ có thể mang các phi hành gia từ trên quỹ đạo xuống bề mặt Mặt trăng. Tuy nhiên, người phụ trách chương trình đổ bộ, ông Doug Loverro, đã từ chức vào ngày 19/5/2020. Ông Doug Loverro, từng giữ vai trò là người đứng đầu chương trình các chuyến bay có người lái của NASA chỉ trong bảy tháng, đã lấy lý do mắc một sai lầm trong quá trình lãnh đạo cơ quan này hướng tới giấc mơ quay lại Mặt trăng.

Sau đó, cựu phi hành gia Ken Bowersox đã tiếp quản vị trí này. Việc đảm đương vị trí mới chỉ mấy ngày trước sự kiện phóng tàu có phi hành đoàn, một sự kiện quan trọng bậc nhất của NASA trong nhiều năm, đã thực sự đưa ông vào “chiếc ghế nóng”.

Một chặng đường nhiều chông gai của Space X

Nhìn tổng thể với ngành công nghiệp vũ trụ, sự kiện phóng thành công tàu Crew Dragon đánh dấu lần thứ chín con người đi vào quỹ đạo không gian, và mở ra một kỷ nguyên mới trong du hành vũ trụ. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược đầu tư của nhà nước vào các chương trình nghiên cứu đòi hỏi đầu tư lớn mà không mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn như chương trình khám phá không gian.

Từ năm 2005, để thay thế chương trình tàu Con Thoi (Space Shuttle) tốn kém và kích thích phát triển công nghiệp vũ trụ tư nhân, NASA đã có chiến lược kêu gọi các công ty tư nhân tham gia vào vận chuyển hàng hóa và phi hành gia lên trạm ISS.

SpaceX vốn là một công ty công nghệ khám phá không gian được thành lập năm 2002 bởi Elon Musk, người được so sánh như Steve Jobs trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Mục đích quan trọng của SpaceX là giảm chi phí đưa người vào vũ trụ và tham vọng đưa người lên sao Hoả.

Ngay từ năm 2006, bốn năm sau khi thành lập, SpaceX đã giành được hợp đồng hàng tỷ USD để vận chuyển hàng hóa lên trạm ISS từ NASA. Nhờ hợp đồng này, SpaceX đã đầu từ 500 triệu USD để chế tạo ra hệ thống phóng có thể tái sử dụng, tên lửa Falcon 9, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn. Tàu không gian Dragon 1, nhanh chóng được chế tạo và thử nghiệm thành công, đã đóng góp vào việc vận chuyển hàng hóa lên trạm ISS cho NASA. Đến năm 2014, NASA lại trao cho SpaceX một hợp đồng 2.6 tỷ USD để hoàn thiện tàu không gian Dragon 2 để đưa đón phi hành gia lên ISS từ NASA.

Để có thành công lần này, SpaceX đã trải qua nhiều thất bại. Điển hình là vụ nổ Falcon 9 trong lần phóng vào tháng 9 năm 2016 đã phá hủy vệ tinh Viễn thông Spacecom Amos-6 có giá trị tới 200 triệu USD. Vào tháng 6/2019, SpaceX mất liên lạc với hơn 60 vệ tinh nằm trong mạng Starlink.

Với nhiều thành công trong việc chở hàng lên ISS, tưởng rằng Dragon 2 sẽ không gặp khó khăn nào trong việc thử nghiệm chở người lên ISS dự định vào năm 2019. Tuy nhiên, do trục trặc ở bệ phóng mà lần thử nghiệm vào tháng 4 năm 2019 đã thất bại, SpaceX đã mất phần đầu đạn, tiêu tốn hết hàng trăm triệu USD. Thử nghiệm thất bại làm cho việc đưa người lên ISS bị hoãn lại đến tận tháng 5/2020. Với Boeing, lần thử nghiệm đầu tiên cũng thất bại. NASA và Boeing đồng ý thử nghiệm lại vào mùa thu năm nay.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đang chờ phía trước với SpaceX là tìm kiếm khách hàng, khi mà NASA không muốn là khách hàng duy nhất và SpaceX cũng phải cạnh tranh với Boeing và Blue Origin của tỷ phú Amazon, Jeff Bezos. Mặc dù đã giảm một nửa so với thuê tàu Soyuz của nga, chi phí cho một ghế ngồi trên tàu đầu đạn khoảng 55 triệu USD, một số tiền rất lớn mà hiếm người có thể đủ khả năng. Hiện nay mới chỉ có hai đơn hàng, một từ công ty Axiom Space và một từ Space Adventures, để đưa 7 khách du lịch và một phi hành gia lên quỹ đạo. Tuy nhiên, SpaceX vẫn có thể nhắm đến khách hàng là các quốc gia, mặc dù chi phí tốn kém, nhiều nước sẵn sàng chi trả để đổi lấy niềm kiêu hãnh quốc gia.

.