Nếu điện thoại thông minh được coi là phát minh công nghệ nổi bật nhất của thế kỉ 21, thì vào cuối thế kỉ 19, xe đạp cũng đóng vai trò như vậy. Trong thập niên 1890, chiếc xe đạp là phương tiện di chuyển không thể thiếu với những ưu điểm như gọn nhẹ, giá cả hợp lý và phong cách hợp thời.

Đến nay, sức hấp dẫn của chiếc xe đạp vẫn không hề suy chuyển, khi mà các đô thị lớn trên thế giới đang trong quá trình được tái thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển bằng xe đạp của người dân.

Từ khi ra đời, xe đạp xuất hiện ở hầu như mọi nơi. Mọi người, không phân biệt giới tính, tầng lớp đều học đi xe đạp: Vua Sultan của đảo quốc Zanzibar, Sa hoàng Nga cũng đi xe đạp, thậm chí, hoàng thân Abdur Rahman Khan của Afghanistan còn sắm xe đạp cho cả dàn hậu cung của mình.

Tuy nhiên, chính tầng lớp lao động và trung lưu mới là nhân tố đẩy mạnh sự phổ biến của xe đạp trên toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nhóm dân số đông đảo nhất trong xã hội có thể di chuyển theo ý muốn mà không cần tốn tiền cưỡi ngựa hay đi xe kéo. Buổi đầu xuất hiện, "con ngựa sắt" khiến việc di chuyển trở nên nhẹ nhàng, tiết kiệm, lâu bền và còn là phương tiện nhanh nhất trên đường lúc bấy giờ.

Trong những năm 1890, xe đạp trở thành biểu tượng của hình mẫu Phụ nữ Mới - độc lập, cấp tiến và có tiếng nói về mặt chính trị. Ảnh được lấy từ tờ Godey, tạp chí dành cho nữ giới với mô tả "Sở hữu chiếc xe đạp trong tay, các cô gái của thế kỷ 19 khẳng định tuyên ngôn về sự độc lập."
Trong những năm 1890, xe đạp trở thành biểu tượng của hình mẫu Phụ nữ Mới - độc lập, cấp tiến và có tiếng nói về mặt chính trị. Ảnh được lấy từ tờ Godey, tạp chí dành cho nữ giới với mô tả "Sở hữu chiếc xe đạp trong tay, các cô gái của thế kỷ 19 khẳng định tuyên ngôn về sự độc lập." Nguồn ảnh: Getty images

Sự xuất hiện của xe đạp còn thúc đẩy những sự chuyển dịch to lớn trong xã hội. Thời ấy, phụ nữ tỏ ra rất thích thú trước phương tiện mới và dần thay những chân váy kiểu Victoria cồng kềnh bằng quần buộc túm dùng trong các hoạt động thể thao và các trang phục có tính ứng dụng cao hơn. "Tôi cho rằng việc đạp xe là hoạt động mang tính giải phóng cho phụ nữ hơn bất kỳ điều gì trên thế giới", nhà hoạt động xã hội Susan B.Anthony trả lời phỏng vấn của The New York Times vào năm 1896, "Tôi vui mừng mỗi khi nhìn thấy một người phụ nữ trên chiếc xe đạp, bởi đây chính là hình ảnh của một người phụ nữ tự do, không bị bó buộc..."

Đến năm 1898, đạp xe đã trở thành hoạt động phổ biến trên toàn nước Mỹ, đến mức tòa báo Thương Mại New York báo cáo rằng ngành sản xuất xe đạp, ngành công nghiệp lớn và tiên tiến nhất bấy giờ, khiến các nhà hàng và rạp hát thiệt hại hơn 100 triệu USD mỗi năm.

Người được coi là cha đẻ của xe đạp hiện đại là John Kemp Starley. Trước đó, bác của John, James Starley là người phát minh ra xe đạp "penny-farthing" (xe có bánh trước to hơn gấp nhiều lần bánh sau, có khung thép hình ống trên gắn bánh xe có nan hoa với lốp cao su rắn) vào năm 1870. Cho rằng mọi người sẽ muốn đi xe đạp nhiều hơn nếu chiếc xe do bác mình phát minh trở nên an toàn và bớt đáng sợ hơn, nhà phát minh 30 tuổi đã bắt đầu thí nghiệm với một chiếc xe chạy bằng dây xích với hai bánh nhỏ hơn phiên bản trước nhiều lần vào năm 1885. Sau khi thử nghiệm một số nguyên mẫu, John Kemp Starley cho ra đời mẫu xe Rover an toàn, nặng 45 pound và có hình dáng giống nhất với chiếc xe đạp ngày nay.

Lần đầu được giới thiệu trong một hội chợ xe đạp vào năm 1886, phát minh của Starley thu hút nhiều bộ óc tò mò. Sau hai năm, bộ lốp hơi giúp xe chạy êm ái hơn và tăng tốc độ xe lên đến 30% ra đời, chiếc xe đã tạo nên kỳ tích. Các nhà sản xuất xe đạp trên toàn thế giới rục rịch ra mắt phiên bản của riêng mình và hàng trăm công ty mới mở ra để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Đến năm 1895, Hội chợ Xe đạp Stanley tổ chức tại London đã thu hút hơn 200 nhà sản xuất với hơn 3,000 mẫu mã xe đạp khác nhau.

Một trong những nhà sản xuất lớn nhất là Columbia Bicycles. Sở hữu dây chuyền sản xuất tự động, cứ mỗi phút công ty lại có thể sản xuất ra một chiếc xe đạp. Tại thời điểm đó, công nghệ này có thể nói là một trong những công nghệ tiên phong xác lập tiêu chuẩn cho ngành sản xuất ô tô.

Nhu cầu xe đạp tăng mạnh cũng kéo theo sự tăng trưởng của các ngành sản xuất linh kiện như vòng bi, dây nan hoa, ống thép và công nghệ chế tạo dụng cụ với độ chuẩn xác cao - yếu tố giúp định hình ngành sản xuất về sau. Ngành quảng cáo cũng được hưởng lợi từ xe đạp: các nghệ sĩ được đặt làm những tờ áp phích quảng cáo bắt mắt nhất, tạo tiền đề phát triển kỹ thuật in thạch bản cho phép in được những màu sắc tươi sáng. Các chiến lược tiếp thị như tung ra sản phẩm mới mỗi năm hoặc ngưng sản xuất có kế hoạch bắt đầu được triển khai vào những năm 1890 cũng nhằm phục vụ cho thị trường xe đạp.

Với xe đạp, con người đã thực hiện những chuyến đi phi thường. Vào mùa hè năm 1890, một trung úy thuộc quân đội Nga đã đạp xe từ St. Petersburg đến tận London, trung bình mỗi ngày đạp được 70 dặm (khoảng 113 km) đường. Tháng Chín năm 1894, cô gái trẻ 24 tuổi Annie Londonderry đã xuất phát trên chiếc xe đạp từ Chicago và trở thành người phụ nữ đầu tiên đạp xe vòng quanh thế giới. Chưa đầy một năm sau, cô đã trở lại Chicago và nhận được phần thưởng trị giá 10,000 USD cho hành trình ngoạn mục của mình.

Xe đạp dường như có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống: nghệ thuật, âm nhạc, văn học và cả nguồn gen của con người. Các ghi chép về khu giáo dân tại Anh cho thấy nhờ có cơn sốt xe đạp vào năm 1890, các cuộc hôn nhân giữa các làng khác nhau đã tăng lên rõ rệt. Chiếc xe đạp đã giải phóng người trẻ thời đó khỏi giới hạn về mặt địa lý, cho phép họ gặp gỡ với những người ở vùng khác và vì thế, giúp làm đa dạng hóa nguồn tính trạng di truyền.

Giới trẻ New York đạp xe trong Công viên Trung tâm vào năm 1942. Sau thời kỳ "làm mưa làm gió" trên toàn thế giới, xe đạp sớm bị thay thế bởi ô tô và chỉ được coi như đồ chơi.
Giới trẻ New York đạp xe trong Công viên Trung tâm vào năm 1942. Nguồn ảnh: Getty images

Trong một bài báo trên tạp chí xã hội học của Mỹ năm 1892 với tiêu đề “Ảnh hưởng kinh tế và xã hội của xe đạp”, tác giả tin rằng nhờ có xe đạp, các đô thị trở nên xanh, sạch, yên tĩnh h ơn và người dân khỏe mạnh, hạnh phúc và hướng ngoại hơn. Trong một trích đoạn, tác giả viết: “Nhờ chiếc xe đạp, những người trẻ tuổi được quan sát thế giới và mở rộng mạng lưới quan hệ nhiều hơn. Ngược lại, không có nó, họ sẽ chẳng mấy khi đi xa nhà.... Những trải nghiệm do xe đạp mang lại giúp họ có sức sống, phát triển tính tự lập và sự độc lập trong tính cách.”

Ảnh hưởng của cộng đồng hàng triệu người đi xe đạp đã đẩy mạnh quá trình cải tiến đường phố và các con đường ở vùng quê và tạo tiền đề cho kỷ nguyên của xe ô tô trong tương lai. Năm 1895, thành phố Brooklyn đã mở tuyến đường dành riêng cho xe đạp nối từ công viên Prospect đến đảo Coney và thu hút hơn 10,000 người đạp xe trong ngày đầu tiên đưa vào sử dụng. Hai năm sau, thành phố New York cũng ban hành bộ luật giao thông đầu tiên nhằm đối phó với những đối tượng đi xe quá tốc độ.

Năm 1901, Starley, nhà phát minh phiên bản xe đạp hiện đại đầu tiên, bất ngờ qua đời ở tuổi 46. Sau khi ông qua đời, công ty của ông chuyển sang sản xuất xe gắn máy và cả ô tô.

Nguồn: https://www.nationalgeographic.com/history/2020/06/how-bicycles-transformed-world/