TS Trần Thị Hồng Hạnh (Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và cộng sự đã nghiên cứu sử dụng phương pháp sắc ký "dấu vân tay” hóa học để xây dựng bộ dữ liệu về thành phần các hoạt chất có trong mẫu dược liệu, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng dược liệu trên thị trường.

TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam trong phòng thí nghiệm
TS Trần Thị Hồng Hạnh trong phòng thí nghiệm | Ảnh: VAST

Trong các công trình nghiên cứu của mình, TS Trần Thị Hồng Hạnh và cộng sự đã nghiên cứu sử dụng phương pháp sắc ký để tách chiết, phân lập, xác định các hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học từ các nguồn dược liệu, đồng thời sử dụng phương pháp sắc ký "dấu vân tay” hóa học (chromatographic fingerprinting, tức thông tin hóa học của dược liệu được biểu thị dưới dạng sắc ký đồ, các phổ và các đồ thị...) để xây dựng bộ dữ liệu về thành phần các hoạt chất có trong mẫu dược liệu, bao gồm cấu trúc hóa học, thành phần, hàm lượng chất, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng dược liệu trên thị trường.

Thông thường, việc xác định chính xác các hợp chất hữu cơ có trong dược liệu phải đối mặt với nhiều khó khăn do hàm lượng các chất có hoạt tính trong mẫu rất nhỏ, mức độ pha tạp giữa các chất có đặc điểm hóa học gần giống nhau tương đối cao hay xảy ra sự biến đổi của các chất trong quá trình tách chiết…

Điều này đặt ra thách thức khiến nhà khoa học phải xây dựng được một quy trình tách chiết tối ưu; tìm được các hợp chất mới, có hoạt tính; xác định đúng hàm lượng của hợp chất có trong mẫu; đánh giá được mức độ an toàn của các hợp để từ đó định hướng phát triển được các loại dược liệu cho từng loại bệnh.

Trên thế giới, xu hướng sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên trong phòng và chữa bệnh ngày càng tăng, đòi hỏi về chất lượng thuốc cũng ngày càng cao. Nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc phong phú, trong đó có nhiều bài thuốc hay, cây thuốc có giá trị. Nhưng để phát huy được hiệu quả, Việt Nam còn phải nỗ lực nghiên cứu nhằm tiến dần tới các tiêu chuẩn chung của thuốc y học hiện đại: An toàn, hiệu quả và chất lượng.

Với hướng nghiên các hợp chất hữu cơ và phương pháp tiếp cận này, TS Trần Thị Hồng Hạnh đã cho ra đời 39 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI, 8 công trình trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và là đồng tác giả của 9 bằng độc quyền sáng chế về các hợp chất trong các loài sinh vật biển và thực vật (hải sâm, san hô, huệ biển, cúc trắng, lược vàng, cỏ lào...) do Viện Hóa sinh biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sở hữu.

Chị cũng đã chủ nhiệm 2 đề tài cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được nghiệm thu xuất sắc, gồm (i) nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng hạ đường huyết trên động vật thực nghiệm của lá cây đinh lăng và (ii) áp dụng phương pháp fingerprint trong xác định thành phần thực phẩm chức năng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu chị có giá trị "đóng góp cho việc chuẩn hóa phương pháp" xác định, đánh giá, tìm kiếm những những nguồn dược liệu mới cho Việt Nam và thế giới một cách bền vững. Nhưng để những công trình xuất sắc đó được ứng dụng thực tiễn trong tương lai, rất cần sự phối hợp và đầu tư của nhiều bên liên quan - bao gồm cả tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp - để hoàn thiện lý thuyết và thực nghiệm ở quy mô công nghiệp.

Với thành tích nghiên cứu xuất sắc, TS Trần Thị Hồng Hạnh là một trong 3 nhà khoa học nữ nhận Giải thưởng L'Oréal – UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019 và là một trong 3 nhà khoa học Việt Nam có mặt trong danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020 do tạp chí Asian Scientist (Singapore) vừa công bố.