Số lượng các loài động vật có xương sống trên thế giới bao gồm động vật có vú, chim, cá, bò sát và lưỡng cư đã giảm 60% trong vòng 40 năm qua.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa công bố phát hiện này trong Báo cáo Hành tinh Sống 2018 (Living Planet Report 2018) vào ngày 30/10. Trong đó, các nhà khoa học đã sử dụng Chỉ số Hành tinh Sống (LPI) để theo dõi tình trạng đa dạng sinh học toàn cầu bằng cách xác định số lượng của hàng nghìn loài động vật có xương sống trên khắp thế giới.
Báo cáo cho biết, số lượng động vật có xương sống đã giảm trung bình 60% trong 40 năm qua. Sự biến mất của các loài xảy ra nhiều nhất tại khu vực nhiệt đới ở Nam Mỹ và Trung Mỹ, nơi có sự suy giảm 89% số lượng động vật có xương sống từ năm 1970 đến năm 2014. Các loài sống ở nước ngọt cũng bị ảnh hưởng nặng nề, giảm 83% trong cùng khoảng thời gian trên.
"Tốc độ tuyệt chủng loài hiện nay cao gấp 100 đến 1.000 lần so với tốc độ tuyệt chủng bình thường trong lịch sử của Trái đất, trước khi tác động của con người trở thành yếu tố nổi bật", báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo của WWF năm nay đã theo dõi xu hướng động vật hoang dã toàn cầu của 16.704 quần thể thuộc 4.005 loài động vật có xương sống. Theo báo cáo, con người đang đẩy hành tinh đến bờ vực, gây ra sự biến mất chưa từng thấy của động vật hoang dã.
Báo cáo kêu gọi con người hành động ngay lập tức để ngăn chặn những thay đổi không thể đảo ngược đối với Trái đất, bao gồm việc gia tăng sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo và sản xuất thực phẩm thân thiện với môi trường.
"Chúng ta có kiến thức và phương tiện để xác định lại mối quan hệ của con người đối với hành tinh. Chúng ta không thể phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo lâu hơn nữa, làm như vậy sẽ nguy hiểm cho chính chúng ta. Những gì chúng ta cần bây giờ là ý chí hành động và phải hành động nhanh chóng", Marco Lambertini, tổng giám đốc WWF International, cho biết.
Báo cáo hành tinh Sống là ấn phẩm hàng đầu của WWF được phát hành hai năm một lần. Năm 2018 là năm ra mắt ấn bản thứ 12 của báo cáo.
Quốc Hùng (theo UPI)