Theo các nhà khoa học Mỹ, protein có tên FGFBP3 (hay còn gọi là BP3) có thể là một liệu pháp mới để hỗ trợ những người mắc hội chứng chuyển hóa như bệnh tiểu đường thể 2 và bệnh gan nhiễm mỡ.
Theo AJC, các nhà khoa học ở Đại học Georgetown (Mỹ) đã phát hiện protein có tên FGFBP3 (hay còn gọi là BP3) giúp cải thiện điều trị các rối loạn chuyển hóa.
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm được với những con chuột thí nghiệm bị béo phì - là những con chuột có thiên hướng mắc bệnh béo phì. Kết quả, protein BP3 giúp chúng giảm 1/3 tỷ lệ mô mỡ. BP3 là protein trong nhóm các yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi liên quan đến việc điều chỉnh ở cấp độ tế bào, chữa lành vết thương và các phản ứng đối phó với chấn thương. Các protein liên kết này được tìm thấy trong nhiều sinh vật, bao gồm cả con người.
Được biết, BP1, BP2 và BP3 thuộc về nhóm protein chaperone (các protein hỗ trợ quá trình "cuộn gấp" hoặc "duỗi mở" hóa trị cũng như lắp ráp hoặc tách các đại phân tử khác...) liên kết với các yếu tố tăng trưởng. Các nhà khoa học đã xác định được rằng BP3 liên kết với 3 protein thuộc các yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF19, FGF21 và FGF23). Tất cả các protein này đều tham gia vào việc kiểm soát chuyển hóa carbohydrate và chất béo.
Các nhà khoa học đã công bố những kết quả nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports, cho thấy BP3 có thể là một liệu pháp mới để hỗ trợ những người mắc hội chứng chuyển hóa như bệnh tiểu đường thể 2 và bệnh gan nhiễm mỡ. Các tác giả của công trình cho rằng phải nghiên cứu tiếp để khẳng định việc sử dụng protein BP3 như một liệu pháp cho hội chứng rối loạn trao đổi chất ở người.
Béo phì là bệnh phổ biến ở Mỹ và các nước phát triển. Theo số liệu gần đây nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Atlanta (Mỹ), có 93,3 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị béo phì, chiếm gần 40% dân số. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ cũng đang gia tăng.
Theo Motthegioi