Cùng sự ra đời của máy ảnh hồng ngoại, bẫy ảnh được sử dụng như một công cụ nghiên cứu và giám sát động vật hoang dã. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, bẫy ảnh ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới và dần được áp dụng nhiều ở Việt Nam.

Các tổ chức quốc tế về bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang đã nhận định, bẫy ảnh là công cụ quan trọng trong các chiến dịch bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Bẫy ảnh ghi nhận sao la tại Việt Nam

Bẫy ảnh từ khi được sử dụng trên thế giới đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã. Nó cho phép các nhà khoa học thu thập được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng với những thao tác đơn giản và chi phí hợp lý mà không làm xáo trộn đời sống của các loài động vật. Hơn nữa, bẫy ảnh còn lưu lại được nhiều hình ảnh đẹp đẽ và độc đáo về thiên nhiên hoang dã mà các nhà nhiếp ảnh khó có cơ hội chụp được.

TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho biết: "Ở Việt Nam, từ tháng 5/2012, trong khuôn khổ thực hiện dự án “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học - CarBi”, WWF-Việt Nam đã phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm, Khu Bảo tồn (KBT) Sao la Quảng Nam bắt đầu thực hiện đặt các bẫy ảnh tại một số tiểu khu có nhiều khả năng ghi nhận sao la tại tỉnh Quảng Nam".

Bức ảnh ghi nhận hình ảnh sao la tại Khu bảo tồn sao la Quảng Nam (09/07/2013). Ảnh: WWF - Vietnam/Dự án CarBi
Bức ảnh do bẫyảnhchụpđượchình ảnh sao la tại Khu bảo tồn sao la Quảng Nam (09/07/2013). Ảnh: WWF - Vietnam/Dự án CarBi

Bẫy ảnh ở rừng Trung Trường Sơn được cài đặt tùy vào các thuộc tính khác nhau tùy theo kích cỡ, đặc tính tìm kiếm thức ăn, vùng sống của từng loài. Do một số đặc tính của máy bẫy ảnh và hiểu biết nhất định về sao la, máy thường được đặt độ cao từ 30-80 cm so với điểm tập trung chụp ảnh trong phạm vi từ 3-10 m tính từ điểm đặt máy và thời gian hoạt động của máy là 24/24 giờ trong ngày.

Ngày 9/7/2013, bẫy ảnh tại Khu bảo tồn sao la Quảng Nam ghi nhận được hình ảnh một cá thể sao la sau 15 năm mất tích ngoài tự nhiên. Các nhà bảo tồn cho rằng đây là bằng chứng quan trọng, chứng minh cho tính đúng đắn và là kết quả của những đầu tư và nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Trung Trường Sơn trong nhiều năm qua.

Cũng nhờ bẫy ảnh, các chuyên gia WWF đã phát hiện và ghi nhận nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN đang có nguy cơ tuyệt chủng tại rừng Trung Trường Sơn như: các loài mang (nghi vấn có thể là mang Roosevelt, mang Trường Sơn), vọoc, trĩ sao, gà lôi, thỏ vằn Trường Sơn...

Thời gian tới, 2 Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam sẽ lắp thêm 75 bẫy ảnh, nâng tổng số bẫy ảnh WWF-Việt Nam sử dụng lên con số khoảng 100. ThS. Lương Viết Hùng, quản lý Hợp phần các khu bảo tồn sao la ở Trung Trường Sơn, dự án CarBi của Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, số bẫy ảnh nói trên được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Bẫy ảnh hoạt động ra sao tại rừng Việt Nam?

Khí hậu nhiệt đới ẩm của rừng Việt Nam là trở ngại lớn cho các chuyên gia khi lắp đặt và bảo trị hệ thống bẫy ảnh. Bẫy ảnh vốn sử dụng một máy ảnh kỹ thuật số tự động có kích thước nhỏ gọn. Nhưng với đặc thù khí hậu rừng Việt Nam, toàn bộ hệ thống bẫy ảnh được trang bị máy sấy tự động kèm theo.

TS Lương Việt Hùng (người đứng) cùng đồng đội cài đặt bẫy ảnh trong Khu bảo tồn sao la Quảng Nam. Ảnh: WWF-Vietnam/Dự án CarBi
Thạc sỹ Lương Viết Hùng (người đứng) cùng đồng đội cài đặt bẫy ảnh trong Khu bảo tồn sao la Quảng Nam. Ảnh: WWF-Vietnam/Dự án CarBi

Cơ chế hoạt động của bẫy ảnh dựa vào cảm ứng hồng ngoại và cảm ứng động. "Khi động vật có máu nóng xuất hiện trước bẫy ảnh, cảm ứng hồng ngoại sẽ nhận diện và khi vùng nhiệt đó chuyển động (động vật), máy sẽ chụp lại hình ảnh. Cụ thể, máy sẽ chụp 3 ảnh liên tiếp khi cảm ứng được vùng nhiệt, và cứ sau 1 giấy sẽ chụp tiếp lần thứ 2" - ThS. Lương Viết Hùng chia sẻ.

Loại bẫy ảnh WWF-Việt Nam đang sử dụng là Reconyx 850. Đây là một trong số những loại bẫy ảnh được đánh giá tốt nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Bẫy ảnh này có thể chụp 8.000 bức ảnh trong thời gian kéo dài 2-3 tháng với điều kiện thời tiết bình thường. ThS Lương Viết Hùng cho biết, sau 2 tháng, những bẫy ảnh này sẽ được lấy ra khỏi rừng. Sau khi được sấy khô, bảo dưỡng, lấy ảnh và thay pin, chúng được trả lại vị trí cũ nếu là khu vực tiềm năng, hoặc được chuyển tới vị trí mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, bẫy ảnh cũng có nhược điểm về giới hạn góc chụp và chi phí. Vì chỉ thu được hình ảnh trong một khoảng không gian hẹp nên bẫy ảnh rất dễ để mất dấu các loài động vật. Để khắc phục, ngoài việc sử dụng đồng thời nhiều bẫy ảnh, các chuyên gia phân thích và đặt bẫy ảnh theo hệ thống để tăng hiệu quả. Dự án CarBi đang sử dụng 2 phương pháp đặt bẫy ảnh tại khu bảo tồn sao la Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế.

Thành viên đội bảo vệ rừng Khu bảo tồn sao la chọn vị trí đặt bẫy ảnh theo hệ thống. Ảnh: WWF - Vietnam/Dự án CarBi
Thành viên đội bảo vệ rừng Khu bảo tồn sao la chọn vị trí đặt bẫy ảnh theo hệ thống. Ảnh: WWF - Vietnam/Dự án CarBi

Phương pháp thứ nhất là cài đặt các bẫy ảnh theo hệ thống không ưu tiên bất kỳ ở đâu, cài đặt ngẫu nhiên trên toàn bộ diện tích của khu bảo tồn với lưới ô vuông 2,5X2,5 km. Tại mỗi ô như vậy, đặt 2 bẫy ảnh song song hoặc đối nhau. Hệ thống này nhằm mục tiêu ghi nhận tất cả các loài thú lớn hiện diện trong khu bảo tồn một cách ngẫu nhiên, tạo ra một cơ sở dữ liệu ban đầu (baseline). Cơ sở dữ liệu này cứ 3 năm đánh giá lại một lần. Từ đó xác định được biến động của các loài động vật và quần thể của chúng.

Phương pháp thứ 2 là dùng hệ thống bẫy ảnh chuyên sâu, mục đích là tìm kiếm và thu hẹp lại các khu vực tiềm năng của loài động vật quý hiếm nào đó (cụ thể ở đây là sao la) nhằm nỗ lực ghi nhận, tìm kiếm chúng tại hiện trường trong các khu vực tiềm năng. Việc xác định địa điểm đặt bẫy ảnh chuyên sâu, ngoài kiến thức còn cần các kinh nghiệm hiện trường phong phú, kiến thức về sinh thái học sao la, sinh cảnh sao la,...

Hiện tại, hai khu bảo tồn sao la ở Việt Nam đã hoàn tất hệ thống bẫy ảnh theo hệ thống, ban đầu đã xác định được các vùng cơ sở dữ liệu trong khu bảo tồn. Hệ thống bẫy ảnh chuyên sâu cũng đang hoạt động, tuy nhiên số lượng chưa nhiều.

Khó khăn lớn với các nhà nghiên cứu Việt Nam là chi phí để chiếc máy ảnh có thể sử dụng làm bẫy ảnh thường khá cao. Thêm nữa, bẫy ảnh ngoài thực địa có thể bị vỡ khi bị các loài vật tấn công và đôi khi bị trộm cắp. Tuy nhiên, cho đến nay bẫy ảnh vẫn được ghi nhận và đánh giá là công cụ nghiên cứu hữu hiệu phục vụ đắc lực cho công tác giám sát đa dạng sinh học.