“Quyền được quên” đáp ứng ý nguyện của những cá nhân không muốn bị bêu xấu lâu dài do hậu quả của hành động trong quá khứ. Việc các trang tìm kiếm như Google bị yêu cầu xóa nhiều liên kết đến các tin bài cũ để bảo vệ quyền này liên tục gây tranh cãi.
Google gặp rắc rối với “quyền được quên”
Giữa năm 2015, hãng công nghệ nổi tiếng Google nhận được một yêu cầu đặc biệt: Dỡ bỏ 9 đường dẫn (link) đến các tin tức về một vụ vi phạm pháp luật tại Anh.
Giải thích lý do dẫn đến quyết định này, cơ quan đưa ra yêu cầu là Văn phòng Ủy quyền về thông tin của Vương quốc Anh khẳng định, việc lưu trữ các đường link của Google đã vi phạm “quyền được quên” - một trong những quyền công dân quan trọng được thừa nhận tại châu Âu.
Theo Văn phòng Ủy quyền về thông tin của Vương quốc Anh, nội dung trong các liên kết kể trên nói đến chi tiết một vụ vi phạm pháp luật nhỏ của một cá nhân và việc công chúng vẫn có thể tìm kiếm, truy cập thông tin bằng tên cá nhân đó sau một thời gian dài là một sự vi phạm Luật Bảo vệ dữ liệu.
“Quyền được quên” là một khái niệm mới, chỉ được bàn luận và áp dụng tại châu Âu và Argentina kể từ năm 2006. Việc thừa nhận quyền này là sự đáp ứng những “ý nguyện của một cá nhân, cho phép họ tự quyết định cuộc sống của mình mà không bị bêu xấu thường xuyên hay định kỳ do hậu quả của một hành động không hay nào đó trong quá khứ”.
Chẳng hạn, sẽ không công bằng nếu một hành vi phạm pháp rất nhỏ của một cá nhân trong quá khứ xa xôi vẫn thường xuyên được nhắc lại và trở thành dấu ấn nặng nề trong suốt cuộc đời còn lại của họ.
Giới chức châu Âu đã thể hiện quyết tâm đáng kể trong việc bảo vệ quyền này. Tháng 5/2014, Tòa án châu Âu ra lệnh cho Google dỡ bỏ đường dẫn đến các nội dung “không đầy đủ, không phù hợp hoặc không còn phù hợp”. Bản thân nội dung trên các trang mạng không bị dỡ bỏ, nhưng đường dẫn đến các trang này sẽ không hiển thị trên kết quả tìm kiếm nữa.
Kể từ phán quyết của tòa - chỉ từ tháng 6/2014 đến giữa tháng 9/2014, đã có 135.000 yêu cầu gửi đến Google đề nghị dỡ bỏ 470.000 đường dẫn.
Tháng 8/2015, tờ Telegraph của Anh đã liệt kê hơn 90 trường hợp mà thông tin của họ vẫn đang được đăng tải trên trang nhưng không còn xuất hiện trên công cụ tìm kiếm Google.
Nhân văn hay thiếu tự do?
Cho dù dựa trên cơ sở rất nhân văn, việc xuất hiện các ý kiến phản đối “quyền được quên” là điều dễ hiểu. Cảnh báo về những xung đột giữa quyền tự do tiếp cận thông tin và quyền tự do biểu đạt của cá nhân sớm xuất hiện. Một số ý kiến cho rằng “quyền được quên” thực ra không cần thiết do cá nhân vốn đã được bảo vệ bằng hàng loạt các điều khoản về quyền riêng tư và quyền bảo vệ dữ liệu.
Ngay khi Tòa án châu Âu ra phán quyết về việc dỡ bỏ các đường dẫn “không đầy đủ, không hoặc không còn phù hợp” kể trên, một luật sư hàng đầu đã gọi hành động này là “bóp nghẹt tự do ngôn luận”. Tháng 7/2014, Ủy ban châu Âu thuộc Thượng viện Vương quốc Anh và Bắc Ailen đã công bố một báo cáo cho rằng “quyền được quên” dựa trên những nguyên tắc đã lỗi thời, rằng nó “sai trái và không thể thực thi được”.
“Chúng tôi không cho rằng một cá nhân có quyền yêu cầu dỡ bỏ đường dẫn đến những thông tin chính xác và được pháp luật cho phép đăng tải chỉ vì họ không thích các thông tin đó” - báo cáo viết.
Môi trường Internet và sự phát triển thông tin trên mạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh xung đột giữa “quyền được quên” và các quyền tự do biểu đạt. Trong lúc các cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp tục và ranh giới chưa được rõ ràng, những cách thỏa hiệp nhất định đã xuất hiện.
Google đã từ chối dỡ bỏ đường dẫn đến các thông tin về một kẻ ấu dâm cũng như bình luận của bệnh nhân dành cho các bác sĩ. Hãng này tuyên bố không chấp nhận cách diễn dịch “quyền được quên” theo nghĩa rộng. Tuy nhiên, đường dẫn đến các trang ảnh khỏa thân có mục đích trả thù bạn gái - bạn trai cũ và các thông tin từ nhiều năm trước liên quan đến người bị nhiễm HIV đã được hãng dỡ khỏi trang tìm kiếm.
Không chỉ có Google, ngày 24/8/2015, trang mạng xã hội Twitter thông báo họ sẽ khóa các tài khoản vẫn “ngoan cố” đăng lại thông tin đã được dỡ bỏ về các chính trị gia. Trong thông báo của mình, Twitter nói rõ quyền cá nhân của các chính trị gia được họ xem trọng hơn quyền được biết của công chúng.
Ian Walden - giáo sư ngành Luật thông tin và truyền thông tại Đại học London - đã gọi phán quyết mới nhất của ICO là một “vụ thỏa hiệp rắc rối”. Ông lo ngại: “Trong vòng 5 năm nữa, có lẽ Google sẽ phản ứng theo cách tránh các rắc rối gây ra bởi “quyền được quên” và tăng cường dỡ bỏ thông tin”. Điều này là dễ hiểu bởi nếu không, Google sẽ mất thêm khá nhiều chi phí thuê nhân lực đánh giá từng sự vụ.