Dốc cả núi tiền, gã khổng lồ công nghệ Google đang ra sức theo đuổi kế hoạch đưa tuổi thọ con người vượt qua “điểm giới hạn” 120 năm bằng các công cụ về khoa học sự sống mà hãng sở hữu.
Thậm chí, Chủ tịch Google Ventures còn cho rằng sống 500 năm không phải chuyện không tưởng.
Cơ thể lai người và máy giúp trường sinh
Để thực hiện kế hoạch trên, tháng 9/2013, Google thành lập Công ty Calico nhằm tìm ra giải pháp kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe để chống lại sự lão hóa và bệnh tật liên quan đến tuổi già.
“Bệnh tật và sự lão hóa ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Với tiến bộ y học và công nghệ sinh học, tôi tin chúng ta có thể cải thiện cuộc sống của hàng triệu người” - Larry Page - Giám đốc điều hành Google - nói khi thành lập Calico.
Calico đã nhanh chóng thiết lập quan hệ đối tác với hàng loạt cơ sở, trung tâm y học uy tín hàng đầu để nghiên cứu vấn đề lão hóa, thoái hóa thần kinh, ung thư cũng như thuốc chống lại các hiện tượng này. Công ty cũng nghiên cứu xem gene có ảnh hưởng như thế nào đối với tuổi thọ con người.
Cũng hướng đến mục đích trên, một nhóm kỹ sư khác của Google lại cho rằng người lai nửa người nửa máy mới là chìa khóa để tuổi thọ của con người vượt ra ngoài giới hạn 120 năm. Phát biểu tại hội thảo quốc tế Tương lai toàn cầu tới năm 2045 ở New York (Mỹ) năm 2014, Ray Kurzwei - Giám đốc kỹ thuật của Google - dự đoán các bộ phận sinh học trên cơ thể người sẽ được thay thế bằng cơ khí và điều đó sẽ xảy ra vào đầu năm 2100.
Khi đó, hàng triệu robot siêu nhỏ làm từ sợi DNA sẽ được đưa vào cơ thể người để phụ trách hệ thống miễn dịch, giúp cho con người luôn mạnh khỏe. Với cách thức đó, Kurzwei tin con người sẽ vượt qua được những giới hạn của chính mình về tuổi tác.
Con người sẽ sống được 500 năm?
“Chúng tôi sở hữu các công cụ trong ngành khoa học sự sống, có thể đạt được bất cứ thứ gì bạn dám tưởng tượng. Tôi hy vọng có thể sống mãi mà không chết. Nếu bạn hỏi tôi, tôi có thể nói con người có khả năng sống tới 500 năm” - Bill Maris - Chủ tịch Google Ventures nói.
Dù còn quá sớm để khẳng định con người sẽ sống được hàng trăm năm, nhưng các đột phá về y học đang hé mở ra triển vọng hiện thực hóa giấc mơ kéo dài tuổi thọ. Tháng 4/2014, Calico đã chiêu mộ nhà sinh học hàng đầu thế giới Cynthia Kenyo - người từng tìm ra cách vô hiệu hóa gene daf-2 của giun tròn để tăng tuổi thọ loài giun này lên gấp gần 10 lần - từ 18 ngày lên tới 144 ngày tuổi. Kenyo còn phát hiện, những người sống thọ 90 hoặc 100 tuổi đều có đột biến ở gene này.
Kenyo tin đây chính là chìa khóa để hiện thực hóa giấc mơ trẻ mãi không già của nhân loại. “Liệu điều này có xảy ra với con người hay không, chúng tôi chưa chắc chắn. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa lại” - Kenyo trả lời phỏng vấn đài NPR Mỹ.
Ở diễn biến khác - trong các thí nghiệm trên loài chuột, các tế bào cơ khí sinh học đã có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường cho chúng. Đây là bằng chứng cho thấy, dường như tiên đoán của Ray Kurzwei về việc con người sẽ trường sinh nhờ sử dụng các bộ phận cơ khí và sinh học có khả năng thành hiện thực.
Mục tiêu tham vọng của Google nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Tiến sỹ Pankaj Kapahi tại Viện Nghiên cứu lão hóa Buck cũng cho rằng, các đột phá về khoa học có thể kéo dài tuổi thọ con người tới 4-5 lần.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại hoài nghi về khả năng nhân loại vượt mốc 120 năm tuổi - một giới hạn gần như tuyệt đối về tuổi thọ. Một số khác cho rằng, con người sống quá lâu chưa chắc đã là điều tốt vì nó có thể dẫn tới một loạt vấn đề khác như nhà ở hay việc làm.