Google Brain tập trung chủ yếu vào kỹ thuật "học sâu", được xem là một phần của trí tuệ nhân tạo giúp máy móc có thể tự thích nghi, tự học và ngày trở nên thông minh hơn. Học sâu sử dụng nhiều lớp thuật toán khác nhau gọi là mạng thần kinh để xử lý ảnh, chữ và ngữ cảnh nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Ý tưởng ở đây là giúp máy móc một ngày nào đó có thể tự đưa ra quyết định như con người. Tuy nhiên, theo Andrew Ng, đồng sáng lập Google Brain, chúng ta còn lâu mới đạt được điều đó.
Được thành lập năm 2011, Google Brain ban đầu là sáng kiến trực thuộc bộ phận Google X bí mật. Nơi đây chính là "nhà" của Quốc Lê, 34 tuổi, từng lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Mỹ. Lê đã làm tại Google Brain suốt 4 năm rưỡi qua.
"Rất ít người hiện nay có thể hiểu được cách thức máy móc tự học và tự suy nghĩ. Học sâu vẫn là khái niệm rất mới", Lê cho biết.
Tuy nhiên, khi học sâu phát triển, mọi người trở nên hào hứng hơn với tiềm năng có thể giải quyết nhiều vấn đề lớn về giáo dục hoặc thay đổi khí hậu. Chẳng hạn, sử dụng cảm biến từ xa để theo dõi dữ liệu môi trường trên khắp thế giới. Hiện tại, phần lớn các dữ liệu đó chưa được xử lý nhưng học sâu có thể được sử dụng để nhận biết các dạng mẫu và đưa ra giải pháp thích hợp.
Alphabet, công ty mẹ của Google, đã tích hợp công nghệ Google Brain vào một số dịch vụ của hãng. Chẳng hạn, công nghệ nhận dạng giọng nói trong hệ điều hành Android và khả năng tìm kiếm ảnh nâng cao đều có nguồn gốc từ Google Brain mà ra.
Google cũng công bố mã nguồn công nghệ học sâu TensorFlow với hy vọng sẽ giúp phát triển hơn nữa trí tuệ nhân tạo. Năm 2014, Google mua lại DeepMind Technologies, một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo, với giá 650 triệu USD.
Tất nhiên, để hiểu sâu về trí tuệ nhân tạo sẽ cần những bộ óc thực sự thông minh và xuất chúng, và Quốc Lê hiện đang được xem là một trong số những người có khả năng đó.