Ảnh: Đạo diễn Nguyễn Tài Văn
Đối với tôi, NSND Lương Đức không chỉ là đồng nghiệp mà còn như người thầy giúp tôi hoàn thiện mình ở cách thể hiện trong phim khoa học, dù ông chưa từng dạy tôi trên giảng đường.
Tôi chỉ là một người trẻ mê phim khoa học và đến với nó tình cờ như ông vậy. Khi nghiên cứu đề tài luận văn về phim khoa học, tôi đã có dịp trao đổi với ông rất nhiều và cũng xem phim rất nhiều, bởi được truyền sự đam mê của ông - người luôn tìm ra cách sáng tạo cho từng đề tài, cách truyền tải thông tin khoa học bằng những hình ảnh nghệ thuật.
Cũng như ông, tôi cho rằng làm phim khoa học rất dễ, nhưng làm hay rất khó bởi nó phong phú về thể loại và cách thể hiện. Phim khoa học giáo khoa chỉ cần mang đến một bài giảng dễ hiểu; nhưng với phim khoa học nghệ thuật, đề tài vẫn là thông tin khoa học nhưng tác giả phải có cái nhìn riêng để chuyển tải nó bằng các thủ pháp nghệ thuật của điện ảnh, giúp phim cuốn hút người xem hơn.
Thật buồn là phim khoa học ở Việt Nam đang phát triển rất chậm về mọi mặt bởi chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó tại các nước phát triển, phim khoa học được đầu tư rất lớn cả về tài chính lẫn chuyên môn.
Ở Việt Nam, về chuyên môn, đa số người làm phim khoa học tự tìm tòi chứ chưa có sự đào tạo bài bản nào. Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là nơi đào tạo nhân tài cho điện ảnh, dạy cách sản xuất các thế loại phim, nhưng theo tôi được biết thì phim khoa học chỉ được dành 45 tiết giảng dạy trong suốt hành trang của một sinh viên.
Để có một bộ phim khoa học hay, theo tôi ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cần có sự đầu tư về tài chính và trang thiết bị. Tôi nghĩ rằng cùng với sự phát triển đi lên của khoa học, công nghệ và sự phát triển lớn mạnh của nước nhà, lẽ ra thể loại phim khoa học phải ngày càng được quan tâm và phát triển mạnh hơn ở Việt Nam.