Ông là người tạo nền móng đầu tiên cho việc “nghệ thuật hóa” phim khoa học ở Việt Nam với hơn 50 bộ phim nổi tiếng, mang phong cách thể hiện phóng khoáng, đầy xúc cảm các thông tin khoa học.
Đó chính là đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Lương Đức - nguyên Xưởng trưởng Xưởng phim Khoa học Trung ương. Chia sẻ con đường đến với điện ảnh, ông nói: “Chỉ vì quá say sưa với những hình ảnh đẹp của hai bộ phim Nga mà tôi đã quyết định nỗ lực hết mình theo học ngành quay phim” - một lý do giản dị như chính con người ông.
Thợ lái máy cày hụt thành nhà làm phimTôi hẹn gặp NSND Lương Đức tại căn nhà nhỏ của ông trên đường Lý Thái Tổ - nơi vô cùng tấp nập vào dịp cuối tuần. Ông chu đáo nhắn tin dặn: “Đường hơi khó đi nên chờ tôi xuống đón nhé”. Sau một hồi chật vật lách qua các gian hàng đồ lưu niệm, chúng tôi lên được căn nhà của ông ở tầng 2 một khu tập thể cũ.
Chủ nhân của nó đã sang tuổi 77 nhưng phong thái, cử chỉ vẫn toát lên sự nhanh nhẹn của một người không bao giờ ngừng lao động và đam mê. Để chuẩn bị đón tôi, Lương Đức đã soạn sẵn các đĩa phim của ông từ những năm 60 của thế kỷ trước, dặn dò trước khi vào chuyện: “Lát nữa cháu mang về xem nhé, xem thì mới hiểu rõ được”.
Tuy có nhiều năm sống ở nước ngoài nhưng có vẻ cái khí chất “lão nông” của Lương Đức chẳng hề thay đổi: Mộc mạc, xuề xòa, không câu nệ. Đến cả đề tài phim của ông cũng chủ yếu hướng về nông thôn, nông dân... Sự chân chất mà vẫn hóm hỉnh, dí dỏm đã tạo nên một “thương hiệu” Lương Đức khác biệt trong giới làm phim khoa học.
Ít ai ngờ rằng, đạo diễn tài hoa này suýt nữa đã trở thành thợ lái máy cày. Là con nhà nông chính gốc, từ lúc sinh ra đã gắn bó với ruộng đồng, vào những năm 50 của thế kỷ trước, Lương Đức lúc đó còn là một cậu bé, từng khát khao được cầm lái máy cày giữa cánh đồng rộng lớn. Được chọn đi học ở Trung Quốc do thành tích học tập tốt, ông không ngần ngại đăng ký nguyện vọng được đào tạo thành thợ lái máy cày.
Tuy nhiên sau đó, đất nước mà ông được cử sang học lại là Đức, và chuyến đi này là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời, sự nghiệp của ông. Lúc mới sang, Lương Đức chưa định hình được mình sẽ làm gì. Trong vài lần tham gia các hoạt động giải trí cộng đồng, ông mê mẩn hình ảnh đẹp của các bộ phim Nga nên đã quyết định chọn học ngành quay phim.
“Dòng phim khoa học ở Việt Nam thời đó gần như chưa hình thành. Đất nước trải qua trăm năm nô lệ và hàng chục năm chiến tranh, điều kiện sống lạc hậu, trình độ dân trí thấp nên nhu cầu đối với phim khoa học lớn hơn bất cứ nước nào. Điều đó đã kích thích tôi lao vào sáng tạo và tôi quyết định chọn dòng phim này” - NSND Lương Đức tâm sự.
Người tạo sức quyến rũ cho phim khoa học
Phải đặt mình vào điều kiện những năm 1960 chúng ta mới hiểu hết sự nỗ lực, đóng góp của các nhà làm phim thời đó.
“Máy móc không có, hầu như tự lần mò. Ý thức được sự khó khăn, thiếu thốn chung, những người làm phim như chúng tôi càng cố gắng để cho ra những thước phim quý báu” - Lương Đức chia sẻ. Ông là người luôn giữ vững quan điểm không lệ thuộc, nếu thiếu thốn gì trong quá trình làm phim thì tự mình phải tìm cách khắc phục chứ không bị động.
Theo ông, để làm được một bộ phim khoa học thành công, tác giả không chỉ cần nghiên cứu tài liệu, hợp tác với các nhà khoa học, kinh qua thực tế của cuộc sống mà quan trọng hơn hết là cần có xúc cảm để có thể truyền cảm hứng cho khán giả, để những thông tin cần truyền tải dễ dàng đi vào người xem. Phim khoa học được phép dàn dựng, được phép dùng các hình thức nghệ thuật để biểu hiện nhưng là để truyền đạt chính xác các kiến thức khoa học.
Trong bộ phim khoa học “Đất Tổ nghìn xưa” mà Lương Đức dành nhiều thời gian, tâm huyết, ông đã rút lại lịch sử hàng nghìn năm trong vài chục phút để người xem nắm được thông qua các hình tượng nghệ thuật. Và trong phim Lương Đức nói chung, các kiến thức khoa học luôn được mềm hóa, trở nên vô cùng lôi cuốn và dễ “hấp thu”.
“Mấu chốt của phim khoa học là không nên lệ thuộc vào nhà khoa học. Phim khoa học không khô khan mà rất thú vị bởi nó là một hình thức nghệ thuật đặc thù, vừa bảo đảm tính chính xác của khoa học vừa phải thể hiện tính hấp dẫn của nghệ thuật” - Lương Đức nói.
Vị đạo diễn cũng chia sẻ, người làm phim khoa học hiểu mười mà truyền đạt được sáu - bảy là tốt rồi. Cái khó của tác giả là làm sao cho một tiến sỹ khoa học khi xem phim vẫn thích thú, vẫn thu nhận được thêm những hiểu biết mới. Loại phim này cũng phục vụ cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học. Theo ông, làm được một bộ phim khoa học vừa mang tính chất khám phá vừa mang tính chất thông tin, giá trị mang tính xã hội lớn là rất thành công.
Truyền cảm hứng cho hậu bốiNhắc đến cái tên Lương Đức, đạo diễn Trịnh Quang Tùng - Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - không ngớt lời khen ngợi: “NSND Lương Đức có kiến thức sâu rộng về nghệ thuật điện ảnh - đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh khoa học. Ông đam mê mãnh liệt, miệt mài và thầm lặng làm nên nhiều tác phẩm có giá trị giáo dục sâu sắc, cảnh báo và dự báo với thông điệp rõ ràng. Những vấn đề ông đặt ra trong phim đi trước hàng chục năm, đến giờ tôi thấy vẫn nguyên giá trị. Ví dụ như phim “Chú ý thuốc trừ sâu”, “Chớ coi thường”, “Hóc đường thở”, “Xin chớ thờ ơ”… Với thế hệ chúng tôi, ông là bậc thầy về phim khoa học”.
Như Lương Đức nói, làm phim khoa học thì rất dễ nhưng làm hay thì rất khó. Cho rằng nhiều người trẻ hiện nay làm phim chưa có chiều sâu, ông luôn dành thời gian tiếp xúc với sinh viên điện ảnh để truyền lửa, truyền những kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc đời làm phim của mình. Ông hào hứng chia sẻ với sinh viên rằng khi hoàn thiện một bộ phim khoa học, chính tác giả đã tự nạp thêm cho mình một lượng kiến thức.
“Trước khi làm phim về đề tài cá mè đẻ nhân tạo, tôi cũng không biết cá mè đẻ tự nhiên thế nào đâu, nhờ làm phim mới vỡ lẽ. Cứ đến tháng 3 - tháng 4 hằng năm, cá mè bơi ngược dòng nước lên thượng nguồn để đẻ trứng, sau một tuần trứng nở thành cá con. Nhiều người ra ngoài bờ sông dùng vợt hớt cá con ở đó. Từ khoảng năm 1962, các nhà khoa học ở Đại học Nông nghiệp 1 mới áp dụng kỹ thuật cho cá mè đẻ nhân tạo - tức là đem cá bố mẹ vỗ béo, sau đó nuôi cho nó đẻ trứng thành thục” - NSND Lương Đức chia sẻ.
Nói về vai trò của phim khoa học đối với xã hội Việt Nam hiện nay, NSND Lương Đức cho rằng đất nước càng phát triển thì nhu cầu về phim khoa học càng lớn, vì sự tò mò của con người không có giới hạn và phải có khoa học - kỹ thuật mới có thể phát triển kinh tế, mở mang trí tuệ, văn hóa. Bởi thế, ông đặt rất nhiều kỳ vọng và niềm tin vào thế hệ làm phim khoa học trẻ - những người đang và sẽ tiếp bước ông mở ra cho khán giả một thế giới quyến rũ mê hồn của khoa học và tri thức.
NSND Lương Đức sinh năm 1939 ở xã Hoằng Anh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nguyên là Xưởng trưởng Xưởng phim Khoa học Trung ương. Ông là tác giả của hơn 50 phim khoa học, 7 phim tài liệu và 4 tập phim truyện video “Bỉ vỏ”. Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Nghệ sỹ Lương Đức đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh như 2 giải Bông sen vàng, 2 giải Quay phim xuất sắc nhất, giải Cánh diều bạc và giải Đặc biệt Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva cho phim “ Đất Hạ Long”. |