Đại học George Washington vừa phát hiện những miếng vải có sử dụng thuốc nhuộm chàm niên đại 6.200 tuổi khi khai quật gò nghi lễ cổ Huaca Prieta ở miền bắc Peru năm 2007.

Đây chính là một ngôi đền - nơi người dân mang các sản vật dệt - may đến cúng như một phần của nghi lễ.

Mảnh vải nhuộm 6.000 năm tuổi được phát hiện tại Peru. Ảnh: Newsreportcenter

Loại vải này ban đầu không thể hiện màu sắc. Sau khi nhẹ nhàng rửa sạch, dùng kỹ thuật sắc ký lỏng hiệu suất cao, các nhà nghiên cứu phát hiện đây chính là vải nhuộm lâu đời nhất. Có 5 trong 8 mẫu được xét nghiệm có dấu vết của nhuộm chàm. Số còn lại có thể cũng là vải chàm nhưng bị phai mờ.

“Trên loại vải có niên đại hơn 6.000 năm này có sắc tố xanh, được chúng tôi xác định là thuốc nhuộm indigoid (indigotin). Đây chính là loại vải nhuộm lâu đời nhất thế giới” - các nhà nghiên cứu cho biết. Trước đây, loại vải nhuộm màu chàm được coi là lâu đời nhất chỉ có tuổi đời gần 2.000 năm ở Ai Cập.

Các nhà khoa học xác định thuốc nhuộm indigoid có thể được tìm thấy ở cây chàm (Indigofera). Người cổ đại Peru có khả năng tạo ra thuốc nhuộm từ loại cây này. Trong khi đó, người Ai Cập cổ đại chiết xuất màu nhuộm từ ốc biển.

Ông Jeffrey Splitstoser - thuộc nhóm nghiên cứu - cho biết, trong khi nhiều loại thuốc nhuộm từ hoa cỏ khác được sản xuất đơn giản bằng cách luộc chín rồi trích xuất màu sắc thì việc tạo ra thuốc nhuộm từ cây chàm khá phức tạp: Lên men, làm thoáng khí hỗn hợp cho đến khi tạo ra một hợp chất rắn ở đáy rồi sấy khô và lưu trữ. Sau đó, dùng một chất kiềm như nước tiểu pha loãng hợp chất, tạo ra một dung dịch chàm trắng. Sợi vải được nhúng vào sẽ chuyển sang màu vàng, xanh lá cây và cuối cùng là màu xanh.