Amazon vừa chính thức nhận bằng sáng chế về thiết bị máy chiếu và các cảm biến đặc biệt có khả năng tạo ra hình ảnh 3D từ người và đồ vật xung quanh.
Bước tiến này đưa con người đến gần hơn với một môi trường sống không khác gì trong phim viễn tưởng - lĩnh vực công nghệ mà nhiều công ty lớn đang theo đuổi.
Căn phòng thực tế ảo của Amazon
Theo Forbes, Amazon vừa được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế về thiết bị máy chiếu và các cảm biến đặc biệt có khả năng tạo ra hình ảnh 3D từ người và đồ vật xung quanh vào ngày 1/12/2015. Những phát minh này do các nhóm nghiên cứu thuộc Lab126 - một đơn vị phần cứng thuộc Amazon tại California (Mỹ) - phát triển.
Hệ thống thứ nhất bao gồm các thành phần như nguồn sáng, máy chiếu và một camera, hoạt động theo cơ chế vẽ lại toàn bộ đồ vật, con người trong căn phòng giúp ích quá trình tương tác giữa người và hình ảnh.
Hệ thống còn lại gồm các máy chiếu, camera để có thể chụp hình ảnh ba chiều (3D) về môi trường xung quanh. Cùng với đó là hệ thống máy tính có thể đọc dữ liệu từ hình ảnh 3D và theo dõi các đồ vật dựa trên sự tương tác với máy tính qua cử chỉ của con người. Hệ thống này sẽ cho phép người sử dụng điều khiển cảnh tương tác thực tế ảo qua các cử chỉ của thân thể.
Cả hai hệ thống được cấp bằng sáng chế trên đều nhằm phục vụ kế hoạch phát triển một hệ thống căn phòng mang công nghệ tương tác thực tế ảo Augmented Reality (AR). Không giống với nhiều nghiên cứu tạo ra AR của các hãng công nghệ khác, Amazon không sử dụng bất kỳ thiết bị đeo trên người nào. Với cách tạo ra hình ảnh AR hiển thị lên các bề mặt của căn phòng, hệ thống này cho phép con người tương tác ngay với đồ vật qua cử chỉ.
“Một căn phòng trang bị hệ thống chụp ảnh và máy chiếu được kết nối với máy tính cho phép hiển thị hình ảnh về vô số đồ vật trong căn phòng đã giúp cho người sử dụng tương tác với những hình ảnh và đồ vật này” - báo cáo của USPTO cho biết.
Những tương tác thực tế ảo với sự hỗ trợ của các thiết bị do Amazon phát triển được đánh giá không khác gì thiết bị “Holodeck” trong bộ phim khoa học viễn tưởng “Star-Trek”. Như vậy, không bao lâu nữa con người sẽ sống với công nghệ thực tế ảo ngay trong ngôi nhà của mình.
“Nếu Amazon ứng dụng các sáng chế trên, trong vòng vài năm nữa, các tương tác với hình ảnh ba chiều tại nhà sẽ trở thành hiện thực” - bài phân tích trên tờ Sky.com dự đoán.
Cuộc chạy đua khai thác “mỏ vàng” công nghệ 3D
Amazon không phải là hãng công nghệ đầu tiên dấn thân vào lĩnh vực này. Tờ New York Times cho biết, thực tế ảo là “mỏ vàng” mà nhiều hãng công nghệ khổng lồ đang chạy đua để tạo ra môi trường 3D cho phép khám phá các thứ xung quanh - từ phim ảnh, tin tức, sự kiện thể thao đến các trò chơi...
Ngân hàng Đầu tư Piper Jaffray ước tính tới năm 2025, thị trường phần mềm công nghệ thực tế ảo có giá trị 5,4 tỷ USD và phần cứng ước đoán đạt tới 62 tỷ USD. Các hãng công nghệ như Samsung, Sony, Facebook không ngừng chi nhiều tỷ USD vào kế hoạch phát triển công nghệ thực tế ảo.
Đáng chú ý là một dự án nghiên cứu có tên RoomAlive của Microsoft cũng phát triển theo ý tưởng tạo ra một căn phòng thông minh. RoomAlive dùng hệ thống camera chiếu hình ảnh tĩnh và động lên tường, cho phép người dùng tương tác với vật thể ảo.
Đây là bước phát triển hơn nữa của Microsoft dựa trên hệ thống IllumilRoom - vốn chỉ được sử dụng giới hạn trên môi trường tivi. Hệ thống cảm biến Kinect của RoomAlive cũng có khả năng theo dõi các chuyển động của người chơi ngay trong căn phòng. Nhìn tổng thể, RoomAlive sẽ cho phép vẽ lại và phản chiếu những thứ xung quanh trong căn phòng để tạo ra các hình ảnh ảo được hiển thị trong thời gian thực.
Và như thế, cuộc cạnh tranh khốc liệt sẽ diễn ra giữa Amazon với Microsoft và nhiều đối thủ khác như Magic Leap - một công ty do Google chống lưng cũng đang theo đuổi công nghệ AR.
Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Pew và Đại học Elon nhân dịp kỷ niệm 25 năm sáng lập ra World Wide Web trích ý kiến của nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, tới năm 2025, những công nghệ tương tác thực tế ảo như thiết bị Holodeck trong phim viễn tưởng sẽ thành hiện thực. Lúc đó các thiết bị ảo được in bằng công nghệ 3D sẽ là sản phẩm công nghệ thời thượng.
Mặc dù hứa hẹn nhiều ứng dụng hữu ích và trải nghiệm thú vị cho con người, song tương tác thực tế ảo cũng có thể tạo ra không ít thách thức. “Một khi các ứng dụng tương tác thực tế ảo được đưa vào thực tế, người dùng sẽ mất phần lớn thời gian, năng lượng và các hoạt động xã hội vào các trò chơi và trong xã hội sẽ ngày càng phổ biến cái cảm giác ai cũng có thể trở thành “ngôi sao”. Khi đó, các quan hệ ảo thực sự là một vấn đề thách thức chính những mối quan hệ xã hội của thế giới thực” - Sean Mead - Giám đốc phân tích chiến lược của Interbrand nói.