Vụ án kéo dài và li kỳ liên quan đến bức ảnh “con khỉ tự sướng” vừa có kết quả hôm 11/9 vừa qua tại Mỹ có thể sẽ trở thành án lệ cho nhiều cuộc tranh chấp bản quyền của những tác phẩm không phải do con người tạo ra.

Tranh cãi chuyện tác phẩm là của khỉ hay người

Năm 2011, nhiếp ảnh gia người Anh David Slater đến Sulawesi (Indonesia) để chụp ảnh những con khỉ. Chú khỉ Naruto (khoảng 6 tuổi) đã chụp một loạt ảnh, trong đó có bức “tự sướng” khoe nụ cười và đôi mắt hổ phách rất đẹp đã khiến chú thành nhân vật nổi tiếng trên Internet.

Sau đó, Slater cấp phép hình ảnh cho hãng Caters News Agency vì cho rằng mình giữ bản quyền hình ảnh. Slater lập luận rằng ông đã chọn các góc chụp, cài sẵn các chế độ tự động cũng như lên ý tưởng về việc để các con khỉ tiếp cận máy và chụp ảnh.

Mọi việc bắt đầu rắc rối khi Techdirt - trang blog chuyên báo cáo về những thách thức của công nghệ trong các vấn đề kinh doanh, đặc biệt là sở hữu trí tuệ - cho rằng Slater không thể giữ bản quyền các bức ảnh trên vì ông không tham gia vào việc sáng tạo, tức không phải là tác giả. Techdirt cũng cho rằng con khỉ không phải là đối tượng hợp pháp để giữ bản quyền nên tác phẩm này thuộc về công chúng. Sau đó, Caters News Agency đã bị yêu cầu xóa bức ảnh vì thiếu dẫn chứng nguồn gốc bản quyền.

Slater và bức ảnh gây tranh cãi do chú khỉ Naruto tự chụp. Ảnh: Southwalesargus
Slater và bức ảnh gây tranh cãi do chú khỉ Naruto tự chụp. Ảnh: Southwalesargus

Bức ảnh cũng được tải lên kho lưu trữ đa phương tiện Wikimedia Commons - trang web chỉ chấp nhận các phương tiện có sẵn theo giấy phép nội dung miễn phí, công cộng hoặc không có điều kiện hợp pháp về bản quyền. Họ lấy lý do bức ảnh được tạo ra bởi một con vật chứ không phải người. Slater yêu cầu Wikimedia Foundation - chủ Wikimedia Commons - trả tiền bản quyền hoặc rút bức ảnh xuống, đồng thời tuyên bố ông sở hữu bản quyền bức ảnh đó. Yêu cầu này bị từ chối và ông đã kiện Wikimedia Foundation ra tòa.

Ngày 22/12/2014, Văn phòng Bản quyền Mỹ tuyên bố, chỉ các tác phẩm do người sáng tạo mới có bản quyền, các tác phẩm không phải do con người tạo ra không có bản quyền; đồng thời lấy bức ảnh "chụp bởi một con khỉ" và bức tranh sơn dầu “được vẽ bởi một con voi" làm ví dụ về loại tác phẩm không được bảo hộ. Bản án xác định, nhiếp ảnh gia, người sở hữu phương tiện - máy chụp hình - được sở hữu bức ảnh.

David Slater sau đó dùng các bức ảnh này trong sách “Wildlife Personalities” xuất bản năm 2015. Ngày 22/9/2015, Tổ chức Đấu tranh vì sự đối xử có đạo đức với động vật (PETA) thay mặt chú khỉ Naruto kiện Slater và nhà xuất bản, yêu cầu tòa công nhận Naruto là tác giả và PETA được chỉ định để quản lý tiền thu được từ các bức ảnh vì lợi ích của Naruto và mục đích bảo tồn giống khỉ hoang dã này tại Sulawesi.

Trong cuộc điều trần vào tháng 1/2016, thẩm phán William Orrick III nói rằng Luật Bản quyền Mỹ không quy định phạm vi điều chỉnh đối với động vật. Ông bác bỏ vụ kiện và nói thêm nếu Quốc hội và Tổng thống Mỹ có ý định bảo hộ bản quyền cho động vật thì phải tuyên bố rõ ràng. PETA kháng cáo lên toà phúc thẩm.

Tháng 7/2017, tòa tổ chức một cuộc tranh luận về vấn đề này và đến ngày 11/9/2017, các bên đạt thỏa thuận rằng Slater sẽ tặng 25% doanh thu từ những bức ảnh trên cho các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã của loài khỉ.


Câu chuyện một bức ảnh ở Việt Nam

Ở Việt Nam chưa ghi nhận cáctranh chấp bản quyền của động vật hay người máy, nhưng từng xảy ra một vụ tranh chấp “có tính chất tương tự” vào năm 2013 ở Thừa Thiên - Huế liên quan đến việc “chụp nhờ” bức ảnh và xác định ai là chủ nhân của bức ảnh đó - người nhờ chụp hay người chụp nhờ.

Cụ thể, sau khi họa sĩ Đỗ Văn Tri được công bố là đoạt huy chương vàng liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2013 với tác phẩm “Lễ hội khất thực”, ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm - cũng là hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế - nhận ra đây là bức ảnh do mình chụp và khiếu nại.

Chuyện là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Hài đã cùng ông Tâm lên chùa để chụp ảnh lễ hội khất thực. Tại đây, ông Hài nhờ ông Tâm chụp giúp mình một tấm bằng máy ảnh của mình. Sau đó, ông Hài tặng ông Tri bức ảnh, sau đó ông Tri mang ảnh “không chính chủ” đi thi và đoạt giải. Sau khi có khiếu nại, ông Tri xin trả lại huy chương và được chấp nhận, đồng thời trao bản quyền ảnh cho ông Tâm.

Thực tế, mặc dù việc xác định ai là chủ sở hữu bản quyền vô cùng quan trọng, nhưng nhiều trường hợp rất khó xác định. Những sự việc kể trên cho thấy vấn đề tác quyền trong ảnh nghệ thuật vẫn còn nhiều điều chưa kín kẽ. Do đó, về mặt luật pháp, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Liên quan đến bức ảnh khỉ “tự sướng”, mặc dù David Slater đã kiếm được rất nhiều tiền bản quyền, nhưng vụ tranh chấp pháp lý kéo dài sau đó đã khiến công ty ông phá sản. Nhiếp ảnh gia này thậm chí đã phải tính đến việc chuyển sang làm huấn luyện viên quần vợt khi không còn khả năng tài chính theo đuổi vụ kiện trong thời gian dài. Vụ bản quyền bức ảnh khỉ “tự sướng” đã tạo nên cộng đồng “The nonhuman rights project” (dự án Quyền của những sinh vật không phải con người) ở Mỹ với sứ mệnh bảo đảm các quyền cơ bản được thừa nhận về mặt pháp lý đối với động vật.