Robot thăm dò sao chổi 67P Churyumov-Gerasimenko lần đầu tiên phát hiện oxy tồn tại trong đám mây khí bao quanh sao chổi, khiến giới khoa học đặt giả thuyết mới về sự hình thành và phát triển của hệ Mặt trời.

lan-dau-tien-phat-hien-oxy-tren-sao-choi

Sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko chụp từ tàu vũ trụ Rosetta hôm 3/5.

Theo IB Times, dữ liệu robot thăm dò Philae của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đáp xuống sao chổi 67P Churyumov-Gerasimenko 67P tháng 11 năm ngoái gửi về cho thấy có oxy trong các đám mây khí bao quanh sao chổi này. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện có O2 trên sao chổi, và là lần thứ ba phát hiện phân tử oxy tồn tại ngoài hệ Mặt Trời. Điều này đặt ra câu hỏi mới về cách thức hệ Mặt Trời hình thành và tiến hóa.

"Đây là phát hiện đáng ngạc nhiên nhất mà chúng tôi từng thấy trên 67P vì chúng tôi không ngờ sẽ tìm thấy phân tử oxy", Kathrin Altwegg, đại học Bern, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm nay.

Altwegg cho biết, ban đầu, nhóm nghiên cứu "cố gắng phủ nhận" phát hiện này. Nhưng cuối cùng, sau khi chắc chắn nó đúng, họ bắt đầu tìm hiểu cách O2 tồn tại ở đó.

Andre Bieler, đại học Michigan cho biết, quan sát liên tục của nhóm cho thấy tỷ lệ O2 duy trì liên tục qua nhiều tháng. Khi sao chổi mất đi lớp vỏ ngoài, lớp vỏ mới lộ ra, nhưng tỷ lệ O2 vẫn ổn định, nên có thể suy ra, O2 có mặt ở toàn bộ sao chổi.

Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng, làm thế nào mà O2 lại ở đó được, và tại sao có thể tồn tại trong thời gian dài như vậy. Các nhà nghiên cứu đưa ra hai giả thuyết, một liên quan đến phân ly phóng xạ (radiolysis), nơi bức xạ năng lượng cao phá vỡ liên kết trong băng chuyển H2O thành O2; một giả thuyết khác là khi sao chổi mới hình thành, O2 đã tích hợp vào trong đó và được làm lạnh nhanh chóng.

lan-dau-tien-phat-hien-oxy-tren-sao-choi-1

Robot thăm dò Philae.

Bất luận làm thế nào mà O2 xuất hiện và tồn tại được ở sao chổi, các nhà khoa học cho rằng, phát hiện này chứng tỏ hiểu biết hiện tại của chúng ta về cách hệ Mặt Trời hình thành cần được xem xét lại, vì mô hình hình thành hệ Mặt Trời hiện tại không cho phép tinh thể băng chứa oxy.

"Một khi băng đến gần Mặt Trời, nó sẽ bốc hơi và mất oxy ngay lập tức. Vật chất sẽ không bao giờ pha trộn được", Altwegg nói. "Mô hình dữ liệu về hệ Mặt Trời hiện này không dự đoán được việc đó xảy ra trong điều kiện nào".

"Phát hiện này cho thấy, quá trình hệ Mặt Trời tiến hóa có thể rất nhẹ nhàng, tinh thể băng có lẽ chưa bao giờ bị nóng đến mức tan chảy. Sao chổi là những thiên thể ít tiến hóa nhất trong hệ Mặt Trời và giờ chúng ta có bằng chứng cho thấy, chí ít là một phần sao chổi trên thực tế có thể có tuổi đời lâu hơn hệ Mặt Trời, khiến chúng trở thành những vật thể rất hoang sơ".

Các nhà khoa học cho biết, họ sẽ lật lại dữ liệu về sao chổi Halley cách đây 30 năm để tìm hiểu xem có phát hiện oxy trên đó không.