Nếu hành tinh nào quay quanh KIC 8462852 có sự sống, người trên đó sẽ được xem một cảnh tượng mưa sao băng tuyệt vời, khi hành tinh đi qua đám bụi sao chổi.

nguoi-ngoai-hanh-tinh-sap-duoc-ngam-sao-bang-tuyet-dep

Bụi từ một nhóm sao chổi bay ngang qua có thể làm giảm đáng kể độ sáng quan sát được từ một ngôi sao. Ảnh: NASA

Theo New Scientist, một nhóm nhà khoa học phát hiện có đám mây sao chổi quanh ngôi sao mang số hiệu KIC 8462852, khi nghiên cứu dữ liệu từ kính thiên văn Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Trước đó, các quan sát cho thấy nó đều đặn có các sự thay đổi độ sáng, trong vài giờ hoặc vài ngày, tùy theo quỹ đạo. Nhưng vào năm 2009, người ta quan sát được có hai lần thay đổi nhỏ. Vào năm 2011, quan sát thấy một lần thay đổi lớn, kéo dài một tuần. Tới năm 2013, lại phát hiện thấy rất nhiều lần độ sáng của ngôi sao bị thay đổi, diễn ra trong vòng ba tháng. Một số trong đó ghi nhận độ sáng của ngôi sao giảm tới 20%.

"Đây là các dữ liệu chưa thể giải thích được", Tabetha Boyajian, nhà thiên văn đứng đầu nhóm nghiên cứu về sự kiện này, thuộc Đại học Yale, cho biết. Sau khi đã tiến hành kiểm tra lại kính thiên văn, nhóm nghiên cứu kết luận các dữ liệu ghi được là hoàn toàn chính xác. Họ đi đến giả thuyết có thể ngôi sao bị bao phủ bởi một đám bụi khổng lồ.

Tuy nhiên, ngay cả va chạm của các thiên thạch xung quanh ngôi sao, hoặc từ hai vật thể lớn hơn, bằng cỡ vật thể đã tạo ra Trái Đất và Mặt Trăng cũng không thể tạo ra lượng bụi có thể che mờ ánh sáng từ một ngôi sao như vậy. Giải thích hợp lý nhất là có một nhóm sao chổi đã đi ngang qua ngôi sao này, bị lực hấp dẫn của nó phá vỡ. Quá trình này tạo ra một lượng lớn bụi và khí. Nếu nhóm sao chổi này đang di chuyển trên một quỹ đạo lệch tâm, với chu kỳ khoảng 700 ngày đi qua ngôi sao một lần giải phóng bụi, mọi bất thường sẽ được giải đáp.

nguoi-ngoai-hanh-tinh-sap-duoc-ngam-sao-bang-tuyet-dep-1

Người ngoài hành tinh có thế sắp được ngắm trận mưa sao băng tuyệt đẹp. Ảnh minh họa: Aaronpriestphoto

KIC 8462852 có kích thước lớn gấp rưỡi Mặt Trời của chúng ta, do đó nếu giả thuyết về sao chổi này là đúng, các đám mây bụi sẽ khá lớn. Nếu đặt nó vào vị trí Mặt Trời, mọi hành tinh sẽ nhận được lượng ánh sáng rất lớn. Nếu hành tinh nào quay quanh KIC 8462852 có sự sống, người trên đó sẽ được xem một cảnh tượng mưa sao băng tuyệt vời, khi hành tinh đi qua đám bụi sao chổi.

"Sẽ là một cơn mưa sao băng khổng lồ, như pháo hoa vũ trụ", Boyajian nói.

Do kính thiên văn Kepler ngừng hoạt động vào năm 2013, nhóm nghiên cứu không còn điều kiện để theo dõi KIC 8462852 nữa. Theo đúng chu kỳ, vào tháng 4/2015 đã có một lần thay đổi độ sáng không được quan sát. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ được quan sát lần tiếp theo vào tháng 5/2017.