Một nghiên cứu về biến đổi khí hậu đăng trên tạp chí khoa học Nature đã dự báo rằng, vào những năm cuối thế kỷ 21, một số quốc gia Trung Đông sẽ gánh chịu đợt nắng vượt quá sức chịu đựng của con người.

Thế giới năm 2100: Nóng đến mức con người không thể ra khỏi nhà - Ảnh 1

Các quốc gia ở vùng vịnh Ba Tư có thể sẽ phải trải qua thời tiết nắng nóng khủng khiếp
đe dọa tới tính mạng của con người.

Các nhà khoa học đã ước tính rằng, vào cuối thế kỷ 21, một số quốc gia tại khu vực vịnh Ba Tư sẽ phải gánh chịu đợt nắng nóng khủng khiếp và vượt quá sức chịu đựng của con người. Qata, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và một số nước khác sẽ có những “trải nghiệm kinh hoàng” về sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm gây ra sóng nhiệt, đe dọa tới sự sống của con người.

Nghiên cứu này dùng mô phỏng máy tính để dự báo, căn cứ vào mức tăng khí thải carbon dioxide trung bình mỗi năm. Theo nghiên cứu, các “chỉ số nhiệt” (thước đo nhiệt độ) ngoài trời ở khu vực vịnh Ba Tư sẽ dao động trong khoảng từ 74 – 77 độ C trong 6 giờ giữa ban ngày.

Nhiệt độ cao như vậy sẽ dẫn tới môi trường sống trở nên quá nóng, con người không thể tiết đủ mồ hôi để làm mát cơ thể, khiến nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ số nhiệt đo lường có tương tác giữa nhiệt độ và độ ẩm. Thực tế là khi độ ẩm đạt mức 50% thì con người có thể chịu đựng được nhiệt độ 45 độ C. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng bạn phải sống trong môi trường độ ẩm 100% và nhiệt độ lên tới 77 độ C thì sẽ như thế nào.

Giáo sư chuyên ngành kỹ thuật môi trường của MIT Elfatih Eltahir, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Bạn có thể đến phòng xông hơi, ngâm mình trong nhiệt độ 35 độ C và chịu đựng trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng nếu như bạn phải trải qua trong khoảng 6 tiếng đồng hồ thì mọi thứ sẽ thật kinh khủng”.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, việc nhiệt độ quá cao như vậy sẽ không diễn ra mỗi ngày nhưng theo mô phỏng thì người dân khu vực này sẽ phải trải qua khoảng thời gian khó khăn dài gần 1 thập kỷ. Nghiên cứu cũng dự báo vì nắng nóng mà con người sẽ tử vong hàng loạt.

May mắn là ở những thành phố phát triển như Abu Dhabi, Dubai và Doha, mọi sinh hoạt vẫn có thể diễn ra bình thường nhờ vào máy điều hòa không khí. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu cũng cho biết, những người phải sống hoặc làm việc ngoài trời, hay trong nhà không có điều hòa thì sẽ khó để sinh tồn.

Đặc biệt là ở khu vực Trung Đông, hàng năm vẫn diễn ra nhiều sự kiện tôn giáo thu hút hàng triệu tín đồ từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Thánh địa Mecca ở Ả Rập sẽ không phải trải qua nền nhiệt quá cao, nhưng sức nóng vẫn sẽ khiến nhiều người thiệt mạng khi lễ hành hương Haji diễn ra.

Chris Field từ viện Khoa học Carnegie cho biết: “Viễn cảnh đáng sợ của biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể thay đổi bởi những cố gắng của con người. Nếu chúng ta không thể hạn chế biến đổi khí hậu, người dân tại khu vực này có thể phải tìm nơi khác để sinh sống”.