Bất chấp số phận trớ trêu, nhà thiên văn học người Đức Caroline Herschel đã vươn lên trở thành một trong những nhà khoa học nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Sự nghiệt ngã của số phận
Caroline Herschel (1750-1848) sinh ra không được may mắn. Năm lên 10 tuổi, bà mắc căn bệnh sốt phát ban đỏ. Di chứng để lại là Caroline không thể lớn thêm được nữa và chiều cao chỉ dừng lại ở 1,3 mét. Điều đó khiến suốt cuộc đời của mình, bà đã không kết hôn với bất kỳ ai và cũng rất ít bạn bè.
Không thể tìm nổi một công việc, năm 22 tuổi Caroline đành theo người anh trai là William Herschel tới Bath (Anh) để làm quản gia.
Khi William chuyển từ dạy nhạc sang làm kính thiên văn và nghiên cứu khoa học vũ trụ thì Caroline - ngoài vai trò là người giúp việc nhà - còn có nhiệm vụ mài kính để làm kính thiên văn.
Vào năm 1781, William phát hiện ra hành tinh Uranus và được nhà vua nước Anh George III để mắt tới. Sau đó công việc của ông ngày càng nhiều, Caroline tham gia giúp anh mình ghi chép lại các cuộc khảo sát trên bầu trời với hàng nghìn tinh vân và cụm sao mới.
Phải đến lúc này sức sống, tài năng tiềm tàng trong Caroline mới được thổi bùng lên. Bà đam mê thiên văn học và thực hiện các quan sát độc lập, tự nghiên cứu bầu trời ngay khi giúp việc cho William.
Caroline Herschel nhà thiên văn học nữ đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: Pixshark.com
Caroline Herschel nhà thiên văn học nữ đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: Pixshark.com

Vươn đến các vì sao
Vào ngày 26/2/1783, Caroline phát hiện ra một cụm sao mà ngày nay được đặt tên là NGC 2360. Sau đó bà còn phát hiện được 14 tinh vân mới.
Đặc biệt tới ngày 1/8/1786, Caroline phát hiện một vật thể di chuyển chậm qua bầu trời đêm. Bà quan sát lại vật thể này vào đêm hôm sau. Kết quả là Caroline đã trở thành người phụ nữ đầu tiên phát hiện ra một sao chổi.
Vinh dự đã đến với bà khi Nhà vua George III chính thức bổ nhiệm Caroline làm người trợ giúp William và trả lương cho bà vào năm 1787. Bà chính là người phụ nữ đầu tiên được trả lương với tư cách là người làm việc trong lĩnh vực khoa học.
Năm 1788, William kết hôn, Caroline được “giải phóng” khỏi rất nhiều công việc nội trợ trong nhà. Bà dành trọn thời gian cho việc nghiên cứu bầu trời. Trong hơn một thập kỷ tiếp theo, Caroline đã phát hiện ra 7 sao chổi khác. Chính bà cũng là người đã bổ sung thêm 550 ngôi sao vào bộ chỉ mục các ngôi sao được nhà thiên văn học hoàng gia Anh John Flamsteed biên soạn lần đầu.
Sau khi William mất năm 1822, Caroline đã trở lại quê nhà ở Đức sống với em trai của mình và tiếp tục công việc biên soạn chỉ mục các tinh vân mà William và bà đã phát hiện ra. Caroline nhận được huy chương Vàng của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh và được phong là thành viên danh dự của hiệp hội. Không chỉ thế ở tuổi 96, Caroline vẫn nhận được huy chương Vàng khoa học do nhà vua Đức trao tặng.
Nhà nữ thiên văn học Caroline trút hơi thở cuối cùng vào ngày 9/1/1848. Trên bia mộ của bà được khắc dòng chữ “Caroline Herschel đã trở về với bầu trời đầy sao”.
Để tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Caroline - người có chiều cao tính từ đầu lên các vì sao - tiểu hành tinh 281 Lucretia được phát hiện năm 1888 đã được đặt tên theo tên của Caroline.
Sau đó, miệng núi lửa C.Herschel của Mặt trăng cũng có tên lấy từ chính tên của bà. Nhà thơ nữ quyền nổi tiếng của Mỹ Adrenne Rich năm 1968 còn sáng tác thơ để tôn vinh cuộc sống đầy nghị lực và những thành tựu khoa học chói lọi của Caroline.