Các nhà khoa học đã phát hiện một gene có thể ngăn hầu hết các virus cúm gia cầm lây sang người. Ai cũng có gene này ở phổi và đường hô hấp trên, nơi virus cúm sinh sôi.

Một nghiên cứu kéo dài 6 năm do Trung tâm nghiên cứu virus MRC - Đại học Glasgow, Scotland chủ trì, đã phát hiện gene BTN3A3 là một rào cản hữu hiệu chống lại hầu hết các virus cúm gia cầm.

Trước đây, các nhà khoa học đã biết về gene này với những chức năng khác, còn khả năng kháng virus của nó là một phát hiện mới.

Tuy tương đối hiếm, song một số chủng virus cúm gia cầm đôi khi đã lây sang người. Hai trong số các ca H5N1 gần đây nhất được phát hiện ở công nhân tại trang trại gia cầm Anh vào tháng 5 năm nay. Các ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người lần đầu tiên được phát hiện tại Hồng Kông năm 1997. Từ năm 2003 đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 873 ca nhiễm H5N1 ở người trên toàn cầu, trong đó có 458 ca tử vong.

Nghiên cứu nhận thấy một số virus cúm gia cầm và cúm heo có một đột biến gene giúp chúng vượt qua "rào cản" của gene BTN3A3 rồi lây sang người. Theo dõi lịch sử các dịch cúm ở người và liên hệ với khả năng kháng gene này ở một số loại virus chính, các nhà nghiên cứu kết luận rằng tất cả các trận dịch cúm ở người, gồm dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và các dịch cúm heo năm 2009, đều là kết quả của các chủng có khả năng kháng gene BTN3A3.

Gà mái lấy trứng được nuôi thả tại một trang trại ở Shropshire, Anh. Ảnh: Ian Hinchliffe
Gà mái nuôi lấy trứng trong một trang trại ở Shropshire, Anh.

Phát hiện gợi ý rằng khả năng kháng gene BTN3A3 có thể giúp xác định xem các chủng cúm có khả năng tạo ra dịch cúm ở người hay không. Điều này có thể dẫn đến việc xét nghiệm các loài chim hoang dại, gia cầm và các loài động vật khác có nguy cơ nhiễm virus cúm như lợn, xem chúng có chứa virus kháng BTN3A3 không.

"Chức năng kháng virus của gene BTN3A3 đã xuất hiện từ 40 triệu năm trước ở linh trưởng. Hiểu được những rào cản ngăn chặn cúm gia cầm ở người sẽ đem lại những giải pháp hướng đích tốt hơn, cũng như các biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn để ngăn sự lây lan", theo Giáo sư Massimo Palmarini, người dẫn dắt nghiên cứu kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu virus thuộc Đại học Glasgow.

Kết quả từ nghiên cứu có thể mang lại những ứng dụng thực tế tức thì. Cụ thể, khi phát hiện trường hợp cúm ở gia cầm, ta sẽ lấy mẫu từ phân hay xác gia cầm bị bệnh. Rồi qua kiểm tra trình tự gene, ta có thể xác định virus gây bệnh cho gia cầm có khả năng lây sang người không. Nếu virus có thể vượt qua hàng rào BTN3A3, các biện pháp mạnh hơn sẽ được triển khai tại chỗ để ngăn lây nhiễm.

Nghiên cứu cũng đã xác định hồi cứu sự gia tăng các virus kháng gene BTN3A3 ở gia cầm trước những đợt lây lan sang người trước đây. Cụ thể, nghiên cứu phát hiện, trước dịch cúm gia cầm H7N9 trên người đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2013, có sự gia tăng tần số của kiểu gene (hay tỉ lệ số cá thể có kiểu gene đó trên tổng số cá thể trong quần thể) kháng BTN3A3 ở virus cúm gia cầm vào năm 2011-2012. Cho đến nay đã có gần 1.570 người nhiễm H7N9 và ít nhất 616 người tử vong.

Nhóm nghiên cứu cho biết, vì chim không có gene BTN3A3, cho nên không có áp lực tiến hóa nào để giữ hay đào thải các tính trạng đó. Khả năng tồn tại của virus ở chim tăng hay giảm có thể do một số đột biến nhất định, nhưng điều này chưa được tìm hiểu.

Nguồn: