Hai loại protein tìm thấy trong da người, có cấu trúc tương tự nọc rắn, đã làm giảm tới 40%-70% số tế bào ung thư trong các mẫu bệnh phẩm chỉ trong 1 ngày.
Xu hướng điều trị ung thư bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch, giúp cơ thể tự tiêu hủy đi các tế bào mang bệnh đang được các nhà khoa học khắp thế giới theo đuổi. Công trình mới của Đại học Moscow và Viện Hàn lâm Khoa học Nga có thể đóng góp rất lớn cho xu hướng đó: "trói chân" tế bào ung thư bằng cách làm tê liệt chúng, giúp hệ miễn dịch có đủ thời gian xây dựng lực lượng và công kích khối u.
Giúp cơ thể tự hủy tế bào ung thư bằng cách trợ giúp cho hệ miễn dịch là xu hướng điều trị ung thư được các nhà khoa học khắp thế giới theo đuổi - ảnh: SPUTNIK
Hai loại protein đó là SLURP-1 và SLURP-2, có cấu trúc tương tự nọc độc của rắn và nhiều loài bò sát. SLURP-1 và SLURP-2 được tìm thấy trong da người cũng như da các động vật máu ấm khác. Các dạng SLURP trong da người không gây độc nhưng cũng có tác động ngăn chặn sự truyền tải xung thần kinh tương tự nọc rắn. Chúng hiện hữu trên hầu hết các tế bào trong cơ thể.
Nhờ đó, các mũi tiêm chứa lượng lớn SLURP-1 và SLURP-2 sẽ có tác động tương tự một tín hiệu "Dừng lại!" được truyền tải đến các tế bào ung thư. Một khi chúng đã tê liệt, hệ miễn dịch chỉ còn việc từ tốn dọn dẹp các tàn dư.
Bên cạnh đó, việc tiêm một lượng lớn các protein này vào cơ thể khiến các tế bào ung thư bị kích thích sản xuất nhiều hơn các phân tử protein tương tự - thứ vốn gây độc cho chúng và dẫn đến phản ứng tự hủy dây chuyền trong khối u.
Trong bài báo vừa công bố trên tạp chí khoa học British Journal of Pharmacology, các nhà khoa học cho biết hai protein này đã được thử nghiệm trên các tế bào da, vú phổi và trực tràng được nuôi trong phòng thí nghiệm. Chỉ sau một ngày kể từ khi tiêm protein, số tế bào ung thư đã giảm 40%-70%.
Tiến sĩ Mikhail Shulepko đến từ Viện Hóa sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết ông và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục các thí nghiệm cao hơn như thử nghiệm trên các khối u người được cấy vào cơ thể động vật, trước khi thử nghiệm trực tiếp lên người. Ngoài ra, còn cần thêm một số nghiên cứu để xác định rõ ràng hơn cơ chế mà các protein này khiến tế bào ung thư tự hủy nhanh đến vậy.
A. Thư (Theo Sputnik)
Theo Người lao động