Trung Quốc đang phát triển hệ thống tạo mưa lớn nhất thế giới với diện tích 1,6 triệu km2, bằng ba lần kích thước của Tây Ban Nha, South China Morning Post hôm 27/3 đưa tin. Hệ thống gồm hàng chục nghìn buồng đốt nhiên liệu được lắp đặt trên cao nguyên Tây Tạng, có thể làm tăng lượng mưa trong khu vực lên tới 10 tỷ mét khối/năm, tương đương 7% tổng lượng nước tiêu thụ ở Trung Quốc.
Các buồng đốt nhiên liệu rắn được đặt trên đỉnh núi dốc, đón luồng gió mùa ẩm ướt từ Nam Á. Các nhà khoa học sử dụng chúng để tạo ra hạt bạc iotua, tác nhân tạo mây với cấu trúc tinh thể giống như đá. Gió mùa mang hơi ẩm sẽ kết hợp với hạt bạc iotua do buồng đốt tạo ra, hình thành nên đám mây để gây mưa và tuyết.
"Hiện tại, hơn 500 buồng đốt đã được triển khai trên đỉnh núi ở Tây Tạng, Tân Cương và một số khu vực khác để thử nghiệm. Dữ liệu thu thập được cho thấy kết quả rất khả quan", một nhà nghiên cứu của dự án chia sẻ.
Dự án hiện được phát triển bởi Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc. Các nhà khoa học đã thiết kế và chế tạo buồng đốt dựa trên công nghệ động cơ tên lửa tiên tiến, cho phép hệ thống có thể đốt hiệu quả nhiên liệu rắn trong môi trường thiếu oxy ở độ cao hơn 5.000 m so với mực nước biển. Sau nhiều cải tiến thiết kế, buồng đốt có thể hoạt động ở môi trường gần chân không trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không cần bảo dưỡng.
Hệ thống tạo mưa bằng buồng đốt nhiên liệu rắn không phải là ý tưởng mới, một số quốc gia như Mỹ từng thử nghiệm trên quy mô nhỏ, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên ứng dụng công nghệ trên quy mô lớn như vậy.
Chi phí phát triển hệ thống tạo mưa dưới mặt đất tương đối rẻ so với phương pháp tạo mưa bằng máy bay. Chi phí chế tạo và lắp đặt mỗi buồng đốt khoảng 8.000 USD, có thể thấp hơn nếu sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, một máy bay tạo mưa có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD và chỉ trên phạm vi nhỏ.
Tây Tạng được biết đến là khu vực dự trữ nước ngọt lớn nhất châu Á với các dòng sông băng khổng lồ và nguồn trữ nước ngọt trong lòng đất. Chúng là nguồn cung cấp nước chính cho những con sông lớn nhất châu lục như Hoàng Hà, Dương Tử, Salween và sông Brahmaputra.