Càng nghiên cứu càng có nhiều ý tưởng mới, 28 năm qua, có những lúc khó khăn mọi bề, thiếu thốn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đến kinh phí nghiên cứu, nữ nhà khoa học vẫn miệt mài, đam mê nghiên cứu.
Bát cơm trắng đầu tiên ở Moscow
Tôi gặp PGS-TS Đinh Thị Bích Lân vào dịp bà nhận giải Kovalevskaia. Trên khuôn mặt nữ nhà khoa học vẫn còn vương niềm vui. Bởi như bà đã chia sẻ, giải thưởng này cho thấy những cố gắng, phấn đấu kiên trì không mệt mỏi trong chặng đường dài vừa qua đã được đánh giá và ghi nhận một cách xứng đáng.
Nữ nhà khoa học say mê kể về hành trình đến với nước Nga xa xôi để học đại học và cả những năm tháng học nghiên cứu sinh ở Nhật Bản - nơi mà bà đã học tập nghiên cứu và sau này mang được nhiều kỹ thuật về áp dụng ở Việt Nam.
Trong lời kể về lần đầu tiên khi đặt chân sang Nga, trong khóe mắt của nữ nhà khoa học rưng rưng niềm xúc động, giọng bà có chút lạc đi: “Tôi không bao giờ quên ngày đầu tiên mình đặt chân tới Moscow. Bạn biết đấy, năm 1980, khi tôi được sang Nga học, đất nước mình vừa thoát khỏi chiến tranh, còn rất nghèo. Khi được ăn bát cơm trắng đầu tiên tôi vô cùng xúc động khi nhớ đến cha mẹ và người thân ở nhà, và ngay từ phút giây đó tôi đã nguyện phải học tập thật tốt để sau này về nước đóng góp sức lực của mình cho sự phát triển quê hương đất nước”.
Rồi những lần đi thực tập ở vùng nông thôn, cô sinh viên Bích Lân choáng ngợp khi thấy người nông dân chăn hàng nghìn con cừu trên thảo nguyên mênh mông. Họ đi chăn cừu bằng ô tô và hưởng thụ một cuộc sống đủ đầy. Trước nay, người nông dân trong nhận thức của cô sinh viên Việt Nam là “con trâu đi trước cái cày đi sau”.
“Tôi hiểu, đó là sức mạnh của khoa học và công nghệ. Chỉ có áp dụng thành quả khoa học công nghệ mới giúp người nông dân đỡ vất vả. Những người như tôi, được đi học ở nước ngoài, nếu không đóng góp cho sự phát triển của đất nước thì ai sẽ làm. Suy nghĩ ấy theo tôi suốt cuộc đời” – giọng nói của PGS Lân cương quyết.
PGS-TS Đinh Thị Bích Lân kiểm tra kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Ảnh: Hải Thuận
Kể cả sau này khi đi học nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, mỗi khi tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới, nhà khoa học lại suy nghĩ, chắt lọc những gì có thể ứng dụng ngay trong điều kiện Việt Nam và mong sao sau khi tốt nghiệp trở về sớm có điều kiện để áp dụng, phát huy những gì đã lĩnh hội được trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Quả đúng như ước nguyện, trở về nước nữ nhà khoa học đã cùng với đồng nghiệp viết dự án để xin kinh phí xây dựng phòng thí nghiệm, đồng thời tìm kiếm mọi nguồn tài trợ để xây dựng cơ sở nghiên cứu thực hành.
“Bằng nguồn tài trợ của tổ chức Hopeland Nhật Bản, của những người bạn Nhật yêu Việt Nam, chúng tôi bắt đầu xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng triển khai Công nghệ Sinh học, tiền thân của Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế ngày nay. Trải qua 15 năm, ngoài kinh phí của Nhà nước, vợ chồng tôi cũng đã đầu tư thêm rất nhiều để các công trình nghiên cứu được triển khai một cách liên tục, không bị gián đoạn và cho kết quả như ngày hôm nay ” - PGS Lân nhớ lại và cho biết.
Ước mong xây dựng phòng nghiên cứu riêng
Năm nay, PGS TS Đinh Thị Bích Lân 58 tuổi. Theo quy định của nhà nước, còn 4 năm nữa bà sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Tôi hỏi bà “Quy định của nhà nước là vậy, nhưng bà đã từng nghĩ đến tuổi nghỉ hưu của mình?”, bà Lân cười xòa: “Tôi quả thật chưa từng nghĩ đến. Từ khi đi học cho đến nay, tôi chưa có một ngày ngơi tay với học tập và nghiên cứu. Ngay cả khi đi chơi với bạn bè, tôi vẫn dành một phần tâm trí với nghiên cứu còn dang dở. Nếu nghỉ hẳn, chắc tôi sẽ buồn lắm. Có thể, tôi sẽ xây dựng phòng nghiên cứu của riêng mình để tiếp tục theo đuổi những niềm vui”.
Nói rồi, PGS Lân lại say sưa nói về các nghiên cứu đã tạo ra các sản phẩm hữu ích. Theo bà, trong thú y có 3 khâu là chẩn đoán, phòng bệnh và điều trị. Mỗi khi nghiên cứu về một bệnh, bao giờ bà cũng cố gắng giải quyết các vấn đề then chốt ở cả 3 khâu. Vì thế, khi lựa chọn giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, bà lựa chọn hướng thứ 2 để có ngay những sản phẩm áp dụng thực tiễn.
Trong những sản phẩm của PGS Đinh Thị Bích Lân nhiều sản phẩm cócông nghệ sản xuất đã có lịch sử hàng trăm năm như kháng thể từ lòng đỏ trứng gà, cũng có những sản phẩm mới không thua kém các nước trên thế giới và lần đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam như KIT chẩn đoán nhanh một số bệnh truyền nhiễm.
Thời điểm sau khi PGS Lân kết thúc việc học nghiên cứu sinh ở Nhật Bản về nước, bà thấy rằng, kỹ thuật sản xuất kháng thể từ lòng đỏ trứng gà tuy đã có nhưng lạc hậu so với thế giới. Vì thế, bà đã áp dụng 1 sốkỹ thuật mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Tôi sử dụng công nghệ ADN tạo ra kháng nguyên tái tổ hợp và sử dụng phương pháp đông khô lạnh đểtạo ra sản phẩm có tính đặc hiệu cao. Ban đầu, sản phẩm được sản xuất ở dạng bột, đểngười chăn nuôi cóthể trộn vào thức ăn cho gà” - PGS Lân nói.
Khi theo dõi người dân sử dụng, PGS Lân phát hiện ra một điểm cần cải tiến. Đó là rất khó để trộn kháng thểđồng đều trong thức ăn, dẫn đến hiện tượng gà sẽ nhận lượng kháng thể không đồng đều, cócon nhận được nhiều nhưng cócon không có. Trăn trở vì điều này, nữ nhà khoa học lại tìm hiểu về phương pháp tách chiết kháng thể thành dạng dung dịch, dễ sử dụng hơn.
“Khi hòa kháng thể vào nước uống, chỉ cần khuấy đều là được. Lúc đưa vào thử nghiệm, tôi nhận thấy, nếu cho gà uống ngay mà không cắt nước, sẽ có con uống nhiều, con uống ít. Vì vậy, tôi khuyến cáo bà con, cắt nước khoảng 1 tiếng, rồi mới cho uống nước được pha kháng thểthìgàuống rất đồng đều” - PGS Lân nói.
PGS Đinh Thị Bích Lân cũng là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công là KIT chẩn đoán nhanh một số bệnh truyền nhiễm do Toxoplasma gondii, Cryptosporidium parvum và E.coli gây ra. Các loại KIT cho phép chẩn đoán nhanh, chính xác, giá thành thấp, không sử dụng thiết bị đắt tiền, không cần kỹ thuật viên trình độ cao và có thể chẩn đoán ở ngay trong chuồng trại.
Bà cũng nghiên cứu thành công loại vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.Coli gây ra ở lợn. Đây là vắc xin thế hệ mới, có tính an toàn cao và khả năng bảo hộ trên 85%.
Nói về những kết quả nghiên cứu , PGS Lân nhớ tới những người thầy ở nước Nga và cả buổi khai giảng đầu tiên ở Viện thú y Moscow. Tại nơi đó, cô sinh viên Việt Nam Bích Lân được nhắc nhở rằng, thú y là nghề cao quý. Bởi không chỉ chữa bệnh cho gia súc, động vật, nghềthú y giúp tạo ra thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và thông qua đó bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Câu nói ấy, đã thắp lên ngọn lửa và soi rọi con đường để nữ nhà khoa học đi đến bây giờ.
PGS Đinh Thị Bích Lân cũng nói rằng, thành tựu bà đạt được hôm nay sẽ không có nếu không được gia đình, đặc biệt là người chồng ủng hộ. “Với phụ nữ, gia đình là rất quan trọng. Nếu chồng, con không vui, không ủng hộ thì sao mình có thể tập trung cho nghiên cứu được. Vợ chồng tôi cùng ngành nghề, cùng đam mê, cùng chí hướng nên anh ấy đã chia sẻ, giúp đỡ tôi rất nhiều ”.
Sự đam mê khoa học trong suốt thời gian công tác đãgiúp cho bà hoàn thành hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, xuất bản 2 cuốn giáo trình, đăng 46 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Điều tôi cảm nhận ở người phụ nữ ấy dường như hạnh phúc lớn nhất với bà là được tiếp tục theo đuổi, truyền tình yêu khoa học, đam mê nghiên cứu cho thế hệ kế cận, thực hiện trọn vẹn trách nhiệm xã hội của một nhà khoa học.
PGS-TS Đinh Thị Bích Lân, sinh năm 1960, nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, hiện đang là giảng viên cao cấp tại Đại học Huế. Bà học tại Viện thú y Moscow và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Obihiro và Đại học Gifu - một trong những trường đại học nổi tiếng về đào tạo ngành thú y của Nhật Bản. Vừa qua, bà là 1 trong 2 nhà khoa học nhận giải thưởng Kovalevskaia 2017 do Liên hiệp hội phụ nữ trao tặng. |