Cuộc bầu cử vào ngày 18/3 được dự báo là có khả năng Putin sẽ thêm 6 năm nữa trên ghế tổng thống nhưng các nhà khoa học tự hỏi là liệu Nga có thể khôi phục được di sản đồ sộ của khoa học dưới thời kỳ Xô viết.

Các dấu hiệu phát triển

Năm 2018, chính phủ đã đầu tư 170 tỷ ruble (tương đương 3 tỷ USD) cho nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, tăng 25% so với năm ngoái. Trong vòng 10 năm từ năm 2006 đến 2016, số lượng các công bố khoa học của Nga đã tăng gấp đôi, sự tăng trưởng này còn cao hơn cả Brazil và Hàn Quốc. Nga hiện có mặt trong top 10 các quốc gia có nhiều công bố khoa học nhất – trước cả Canada, Australia và Thụy Sỹ, theo phân tích mới công bố vào tháng 1/2018 của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF).


Tổng thống Nga V.Putin thăm doanh nghiệp "Er-Telecom Holding", xem triển lãm các sản phẩm của cụm công nghiệp Perm.

Tuy nhiên, ngân sách dành cho khoa học của Nga vẫn còn chưa đuổi kịp những cường quốc khoa học mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, đặc biệt khi đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế. Hàng chục thập kỷ thiếu hụt đầu tư, sự quan liêu của bộ máy liên bang và xung đột với cải cách trong nội bộ các viện nghiên cứu của Nga đang ngăn cản sự cạnh tranh.

Khokhlov, Phó chủ tịch Viện HLKH Nga nhận xét: “Những gì chúng ta cần là những ý tưởng mới, những phòng thí nghiệm mới, những tài năng mới và nhiều tự do và tăng tính cạnh tranh hơn".

Nhiều nhà nghiên cứu Nga thấy không thoải mái vì bị chính quyền kiểm soát công việc. Theo một điều tra của Naturevào năm 2015, nhiều người trong số họ đã phải chịu một bước kiểm tra trước khi gửi công trình tới các tạp chí quốc tế. Các nhà nghiên cứu còn phải chứng kiến cảnh nhiều quỹ đầu tư cho khoa học như Quỹ Dynasty, Quỹ Open Society (do nhà tỷ phú Mỹ gốc Hungary George Soros tài trợ) bị chính quyền loại vì sợ “gây rắc rối”.


Cuộc cải cách nửa vời

Vào năm 2016, chính phủ đã vạch ra một chiến lược khoa học quốc gia, ấn định bảy lĩnh vực ưu tiên cho nghiên cứu được đầu tư cấp liên bang, trong đó có năng lượng, y tế, nông nghiệp và an ninh quốc phòng. Các hội đồng do các nhà khoa học dẫn đầu giám sát việc phân bổ ngân sách và việc điều hành các dự án quốc gia này nhằm giảm bớt “chủ nghĩa thân hữu” – sự trọng dụng người quen, người nhà của các quan chức chính phủ và nhà quản lý.

Chính phủ của Putin cũng muốn thúc đẩy việc cải cách Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nơi điều hành hơn 700 viện nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực khoa học. Một cuộc đánh giá hoàn thành vào tháng 1/2018 đã thấy 1/4 các viện nghiên cứu hàn lâm “hiệu suất kém” trong công bố, trích dẫn công bố, bằng phát minh sáng chế và những chỉ số khác. Các viện nghiên cứu này sẽ cần được chỉnh đốn lại công việc nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo mới, Khokhlov cho biết.

Chính phủ cũng cần lên kế hoạch tăng cường nghiên cứu ở cac trường đại học bị chính phủ “bỏ quên”. Nhưng theo Khokhlov, khát vọng đưa ít nhất 5 trường đại học Nga vào tốp 100 trường xuất sắc nhất thế giới vào năm 2020 dường như khó có thể đạt được bởi vì tài trợ ít, cơ sở vật chất nghèo nàn và sự bất lực trong việc thu hút các nhà khoa học Nga ở nước ngoài trở về.

Konstantin Severinov – nhà sinh học phân tử tại Viện Skolkovo cho rằng, “các nhà khoa học Nga sẽ tìm kiếm được những cơ hội nghề nghiệp tốt ‘có một không hai’ ở bất cứ đâu. Nếu chỉ có tiền thì không thể xây được các viện nghiên cứu, cần phải có trụ cột là các nhà khoa học”.

Những vấn đề “sôi sục” trong thời gian dài như thế ở các viện nghiên cứu không chỉ là ảnh hưởng duy nhất đến khoa học Nga. Lệnh trừng phạt của quốc tế sau sự sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014 đã dẫn đến việc đình chỉ sự tham gia khoa học quân sự và dân sự trong Hội đồng NATO - Nga. Ông Andrei Fursenko, cố vấn cấp cao về khoa học của Putin,đã bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Fyodor Kondrashov - nhà sinh học Nga đang làm việc tại Viện KH&CN Áo ở Klosterneuburg, nói: “Không nên để hoạt động khoa học của một quốc gia trở nên bấp bênh trong một môi trường bị cô lập về chính trị. Tôi không nhìn thấy cách nào có thể thay đổi được [điều đó] khi Putin cầm quyền”.