Đó là chia sẻ nhận được nhiều đồng tình của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, tác giả của nhiều giống lúa lai nổi tiếng, tại lễ trao giải Kovalevskaia năm nay.

Kovalevskaia là giải thưởng uy tín thường niên được trao từ năm 1985 cho các nhà khoa học nữ.

Năm nay, giải thưởng được trao cho PGS – TS – BS Trần Vân Khánh - Trưởng Bộ môn Sinh học phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học, PGĐ Trung tâm nghiên cứu Gen – Protein, Trường Đại học Y Hà Nội và PGS – TS Đinh Thị Bích Lân - Giảng viên cao cấp, Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế.

Trong đó, PGS-TS-BS Trần Vân Khánh là nhà khoa học trẻ nhất trong lịch sử nhận giải thưởng Kovalevskaia tại Việt Nam. Ở tuổi 45, chị đã chủ trì 29 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, công bố 170 bài báo khoa học trong và ngoài nước, trong đó 21 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, 149 bài được công bố ở tạp chí trong nước.

Thành tựu đáng chú ý trong các nghiên cứu của chị là công trình chẩn đoán trước sinh một số bệnh lý di truyền và người mang gene. Đến nay, hơn 100 bệnh nhân và các thành viên trong gia đình được chẩn đoán bằng kỹ thuật gene, phát hiện người lành mang gene bệnh và chẩn đoán trước khi sinh. Thành tựu này đã giúp sàng lọc rất sớm, đảm bảo hầu hết các trẻ sinh ra không mắc các bệnh lý di truyền. Thành công của kỹ thuật này ở Việt Nam giúp giảm xuống đến 30%-50% chi phí so với thực hiện ở nước ngoài.

PGS-TS-BS Trần Vân Khánh (ngồi bên trái) hướng dẫn sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội trong giờ học về công nghệ phân tử và giải mã gien Ảnh: Khánh Anh

Người cùng nhận giải thưởng với PGS Trần Vân Khánh là PGS – TS Đinh Thị Bích Lân đến từ ĐH Huế. Chị là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu với tính dụng ứng cao như các loại KIT chẩn đoán nhanh (que nhúng), vaccine tái tổ hợp, chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà hay các tổ hợp lợn lai, các loại kháng nguyên tái tổ hợp của một số mầm bệnh.

Trong đó, các loại KIT giúp chẩn đoán bệnh truyền nhiễm do Toxoplasma gondii, bệnh do Crytisporidium parvum, bệnh do cầu trung Eimeria, bệnh do E.Coli gây ra. Các KIT này cho phép chẩn đoán nhanh, chính xác, có tính đặc hiệu cao, giá thành thấp, không sử dụng thiết bị đắt tiền, không cần kỹ thuật viên trình độ cao, có thể chẩn đoán ngay ở bất kỳ điều kiện nào.

Chia sẻ về vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia cao quý, PGS-TS Đinh Thị Bích Lân cho biết, phần thường này là động lực và ghi nhận cho những phấn đấu, kiên trì không mệt mỏi của chị và các cộng sự trong thời gian qua. “Giống như ngọn lửa được truyền đến trong trái tim tôi, để tôi tiếp tục nghiên cứu và truyền tình yêu khoa học, đam mê nghiên cứu” – PGS Lân nói.

Phụ nữ làm nghiên cứu phải kiên trì

Từ câu chuyện nhận giải thưởng của 2 hai nhà khoa học, bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có những chia sẻ về những giá trị mà bà luôn tâm niệm để phụ nữ thành công hơn trong công việc và cuộc sống. Nguyên Phó chủ tịch nước bày tỏ sự ngưỡng mộ với các nhà khoa học vì đã có nhiều sản phẩm khoa học phục vụ cho đời.

“Để thành công, điều quan trọng nhất là các nhà khoa học nói riêng và phụ nữ nói chung càn phải có mục tiêu đúng và được định hướng đúng với từng giai đoạn của cuộc đời. Khi đã có mục tiêu, mỗi người cần phải kiên trì với mục tiêu đó, biết nắm bắt cơ hội để thực hiện mục tiêu. Quan trọng nhất là không bao giờ được phép chán nản, mệt mỏi. Và cuối cùng là biết chia sẻ kiến thức và không giấu dốt” – bà Nguyễn Thị Doan tổng kết lại những tiêu chí để mỗi người thành công trong cuộc sống. Bà cũng tin rằng, những nhà khoa học như PGS-TS Trần Vân Khánh và PGS –TS Nguyễn Thị Bích Lân có được thành công như ngày hôm nay là nhờ có được định hướng đúng từ khi đi học và quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi vì mục tiêu ấy.

Đồng tình với ý kiến của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm – Giải thưởng Kovalevskaia 2000 cũng cho rằng, kiên trì và tự tin là nhân tố dẫn tới thành công của bà. Ra trường năm 1968, cho đến nay, bà vẫn say mê nghiên cứu cây lúa.

“Phụ nữ thường kiên trì hơn nam giới, đây là ưu điểm mà chúng ta nên phát huy. 50 năm nghiên cứu về lúa, những năm trước, công nghệ trong nước còn khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng mọi điều kiện để kết hợp các gene quý để tạo ra giống lúa mới và đưa về các vùng miền thử nghiệm. Được thương mại hóa từ năm 2008, giống lúa của tôi đến nay vẫn được ưa thích tại những vùng sâu, vùng xa, điều kiện đất đai khó khăn” – PGS Trâm cho biết.

Vì thế, Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tin rằng, với các nữ sinh, các nhà khoa học nữ, trường đại học sẽ là nơi đánh giá công bằng và không có bất kỳ rào cản nào với sự phát triển, thăng tiến của họ. Nếu nhà trường không làm được thì không đâu làm được, bởi đây là nơi tập trung trí thức và trí tuệ cao nhất, đổi mới nhất và tiên tiến nhất.