Nhà thần kinh học kiêm triết gia Sam Harris (Mỹ) đã khiến cả thế giới dậy sóng khi tuyên bố khoa học có thể và nên đóng vai trò quyết định trong các vấn đề đạo đức, hình thành các giá trị nhân văn và chỉ ra thế nào là một cuộc sống tốt.

Dù còn xa vời để đạt đến ngưỡng đó, nhưng khoa học quả thật đã xác nhận được một số sự thật hiển nhiên về đạo đức như sau:


Động vật cũng có đạo đức


Hai nhà khoa học Marc Bekoff và Jessica Piercer trong cuốn “Sự công bằng trong thế giới hoang dã: Đời sống đạo đức của động vật” đã chỉ ra rằng những con khỉ rhesus dù đói đến mấy cũng không bao giờ cướp đồ ăn từ bầy khỉ cùng đàn. Một ví dụ nữa là con khỉ đột cái Binti Jua đã cứu sống một cậu bé 3 tuổi bị bất tỉnh khi rơi vào chuồng của nó ở Vườn thú Brookfield (Mỹ).

Lựa chọn tốt hay xấu luôn là vấn đề nan giải. Ảnh: kennethgmcleod.com
Lựa chọn tốt hay xấu luôn là vấn đề nan giải. Ảnh: kennethgmcleod.com


Theo GS Mark Rowlands thuộc Đại học Miami (Mỹ), những sự việc trên chứng tỏ loài vật có đạo đức. Đáp lại ý kiến cho rằng loài vật sống hoàn toàn bản năng chứ không thể có luân lý, Rowlands nói: “Tâm điểm của đạo đức là tình cảm. Và những chứng cứ trên cho thấy loài vật có thể hành động dựa trên nền tảng tình cảm của bản thân”.


Người theo đạo chưa chắc đạo đức hơn


Một nghiên cứu ở Mỹ và Canada kết luận, là một con chiên ngoan đạo không có nghĩa bạn có đạo đức hơn người không theo đạo. Các nhà khoa học đã khảo sát 1.252 người với nền tảng chính trị và tôn giáo khác nhau để ghi chép những hành động tốt, xấu họ đã làm, đã chứng kiến, đã nghe kể hoặc là mục tiêu của ngày hôm đó. Kết quả, người theo đạo hay không theo đạo, thuộc đảng bảo thủ hay tự do cũng đều thực hiện một số lượng hành động mang tính đạo đức tương đương nhau.


Tuy vậy, những người theo đạo thường cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và ghê tởm nhiều hơn so với người thường khi có hành động trái đạo đức. Và cảm giác tự hào của họ cũng lớn hơn khi làm được việc tốt.


Người tốt cũng lừa dối


Những người tự cho mình sống đạo đức cũng có thể lừa dối. Đây là kết quả một nghiên cứu năm 2007 ở Mỹ, thực hiện trên 230 sinh viên thuộc tốp ưu của ngành kinh doanh. Họ phải trả lời 12 câu hỏi liên quan tới tầm quan trọng của một số tính cách như phóng khoáng, sẵn sàng làm công việc khó, sự chân thực và lòng trắc ẩn. 13 hành vi lừa dối cũng được nêu trong bài khảo sát, bao gồm cả việc quay bài.


Kết quả là việc lừa dối khá phổ biến. Hơn 90% số sinh viên tham gia khảo sát cho biết họ đã thực hiện ít nhất 1 trong 13 hành vi lừa dối trên. Hơn 55% tiết lộ mình hưởng lợi từ việc giáo viên chấm điểm sai và 42% thú thật từng quay bài của bạn trong giờ kiểm tra.


Những sinh viên “tốt” trên thường biện minh cho hành động không đẹp của mình. “Tôi có lừa dối nhưng sau đó tôi trở thành bác sĩ và hết lòng giúp đỡ mọi người” - Giáo sư danh dự về đạo đức kinh doanh Scott Reynolds thuộc Đại học Washington (Mỹ) diễn giải tâm lý của một cựu sinh viên.


Đạo đức phụ thuộc vào nền văn hóa


Một nghiên cứu tiến hành trên 322 người thuộc 10 nước từ 6 châu lục vừa được công bố cho thấy, văn hóa cũng ảnh hưởng tới quan điểm đạo đức.Những người tham gia phải trả lời câu hỏi làm thế nào để đưa ra phán định về đạo đức, đồng thời giải thích xem theo cách nghĩ của họ, nhân vật trong các tình huống giả định là người tốt hay xấu. Các tình huống giả định bao gồm hành vi trộm cắp, bạo lực và đầu độc, kèm theo thông tin hành động đó diễn ra là cố ý hay vô tình.


Kết quả là công dân các nước phương Tây quan tâm tới việc hành động đó có chủ đích hay không. Chẳng hạn, nếu một người phạm tội một cách vô tình, người phương Tây sẽ báo cáo rằng hành vi đó có thể xem xét. Nhưng, với các công dân đảo Fijian, Yasawa (Fiji) và 2 nước châu Phi khác, sự cố ý hay vô tình không quan trọng. Chẳng hạn, đầu độc nguồn nước là sai, dù có mục đích hay không.


Người luôn cứng nhắc đáng tin hơn


Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford và Cornell (Anh), công chúng có xu hướng tin tưởng những người có nguyên tắc rõ ràng hơn là những người luôn xem xét đúng, sai cẩn thận trong từng tình huống trước khi đưa ra phán quyết.


Các nhà khoa học tiến hành 9 thí nghiệm với 2.400 người tham gia. Họ sử dụng vài tình huống khác nhau, trong đó người tham gia buộc phải lựa chọn là có nên hy sinh một người vô tội để cứu tính mạng của những khác hay không. Sau đó, các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi rằng người đưa ra phán quyết không nên giết người vô tội (theo quy tắc) và người quyết định giết (dựa vào tình hình), ai đáng làm bạn hơn.


Kết quả là những người nguyên tắc (từ chối giết hại người vô tội dù cách này hiệu quả nhất) được đánh giá là đáng tin cậy hơn. Đa số người được hỏi sẵn sàng cho họ vay tiền và tin rằng họ sẽ trả lại. Điều này hoàn toàn trái ngược với người đưa ra lựa chọn hy sinh một người vô tội để cứu nhiều người.