Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra rằng, để có lòng tin vào Chúa trời, con người đã phải kìm hãm hoạt động của khu vực não có nhiệm vụ tư duy, phân tích, đồng thời khuyến khích khu vực não chịu trách nhiệm về tình cảm hoạt động.

Để tin tưởng những lực lượng siêu nhân, con người gạt lý trí qua một bên. Ảnh: INT
Để tin tưởng những lực lượng siêu nhân, con người gạt lý trí qua một bên. Ảnh: INT

Giáo sư Tony Jack - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: “Có vẻ vô lý khi nghiên cứu đức tin từ quan điểm phân tích. Tuy nhiên cần biết rằng, bộ não của chúng ta sẵn sàng đặt lý trí qua một bên để tin tưởng vào những lực lượng siêu nhiên”.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS One, các nhà khoa học đã tiến hành 8 cuộc thí nghiệm (có 159-527 người trưởng thành tham gia) và xem xét mối quan hệ giữa niềm tin vào thần thánh với các biện pháp tư duy phân tích và mối quan tâm về đạo đức. Những người giàu đức tin thường nhiều tình cảm và dễ đồng cảm hơn những người không có.

Nghiên cứu trước đó của Giáo sư Jack đã sử dụng máy MRI chụp não người và phát hiện một mạng lưới phân tích của tế bào thần kinh cho phép con người có mạng tư duy phê phán và mạng xã hội.

Giáo sư Jack giải thích: “Do sự căng thẳng giữa các mạng, việc đẩy thế giới tự nhiên sang một bên giúp con người xoáy sâu vào khía cạnh xã hội/tình cảm. Đó là lý do tại sao niềm tin vào Chúa trời tồn tại trong suốt lịch sử loài người”.

Bộ não con người khám phá thế giới bằng cả lý trí và tình cảm. Một bộ não khỏe mạnh sẽ kích hoạt mạng lưới thích hợp khi đối diện với các vấn đề.

Richard Boyatzis - Giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Case Western Reserve - nói: “Các mạng đối kháng nhau nên chúng có thể tạo ra xung đột giữa khoa học và tôn giáo. Hiểu cách bộ não hoạt động, chúng ta có thêm sự cân bằng trong các cuộc đối thoại liên quan đến khoa học và tôn giáo.”