“Chúng tôi có thể tạo ra động vật không tim hay tạo ra lợn thiếu cơ xương và mạch máu” - bác sỹ Daniel Garry thuộc Đại học Minnesota khằng đinh.
Năm 2003, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc thông báo kết hợp tế bào gốc người với phôi thỏ thành công, làm dấy lên những băn khoăn về đạo đức và buộc Viện Sức khoẻ Mỹ ra lệnh cấm đầu tư vào các nghiên cứu dạng này, cho đến khi sự tác động đến khoa học và xã hội của nó được xem xét thấu đáo.
Tuy nhiên, một số trung tâm nghiên cứu tại Mỹ vẫn tiếp tục thí nghiệm tạo thú lai người. Tháng 12/2015, có tới 20 thai ghép lợn - người hoặc cừu - người được tạo ra. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể về quá trình này, cũng như chưa có bộ phận người nuôi trên loài vật nào được dùng cấy ghép.
Chimera người - thú được tạo ra bằng cách tiêm tế bào gốc của người vào phôi thai động vật, sau đó cấy chúng vào tử cung con cái. Ví dụ, để nuôi một cơ quan nội tạng người, các nhà khoa học có thể sửa phôi động vật khiến nó bị thiếu cơ quan đó, sau đó cấy tế bào gốc của người vào để phát triển thành cơ quan người hoàn chỉnh trong cơ thể con vật.
Những người bảo vệ động vật cho rằng hành động này là tàn ác, còn nhiều người khác quan tâm đến việc liệu các chimera này có được công nhận quyền con người, liệu có thể đảm bảo chúng chỉ được tạo ra trong phòng thí nghiệm?
Các nhà khoa học tham gia tạo chimera đang tổng hợp các mẫu thí nghiệm để lấy dữ liệu sơ bộ về tác động của tế bào người tới cơ thể vật. “Chúng tôi có thể tạo ra động vật không tim hay tạo ra lợn thiếu cơ xương và mạch máu” - bác sỹ Daniel Garry thuộc Đại học Minnesota nói.
“Sự đóng góp của các tế bào người rất nhỏ, có thể là 3-5%; nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các tế bào người thay thế 100% não động vật, hay phôi thai phát triển trong cơ thể động vật mang nhiều đặc điểm của con người?” - ông Pablo Ross thuộc Đại học California đặt câu hỏi.
Mộc Dương (Theo IBTimes)