Hẹn PGS Phạm Hoàng Hiệp - người nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, tôi hình dung một nhà khoa học tuổi lục tuần với kính cận, tóc bạc và những nếp nhăn. Nhưng tôi chỉ đoán trúng khoản kính cận, tóc điểm bạc. Ông có gương mặt rất trẻ, thậm chí là so với tuổi 34.
PGS-TSKH Phạm Hoàng Hiệp hiện nay là nghiên cứu viên chính ở phòng Giải tích, Viện Toán học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trở thành phó giáo sư ở tuổi 29Khi được Hội đồng Chức danh nhà nước công nhận phó giáo sư (PGS) vào năm 2011, TSKH Phạm Hoàng Hiệp trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam ở thời điểm đó. Thành quả này có được từ niềm đam mê toán học đã nảy mầm rồi phát triển từ thuở nhỏ.
“Từ bé, tôi đã ham thích tìm hiểu những điều mới lạ, khám phá và giải đáp những câu đố hóc búa. Hồi học cấp hai, trong lúc lục lọi tìm sách đọc chơi, tôi tìm thấy cuốn sách toán mà bố tôi đã mua cho từ lâu, cứ đọc miết rồi say mê luôn. Thích toán, tôi thường giải các bài toán khó đăng trên tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, đôi khi phải nghĩ mất 2-3 ngày mới giải được một bài. Những lúc như vậy. tôi luôn cảm thấy lâng lâng hạnh phúc” - vị PGS trẻ mỉm cười nhớ lại.
Cơ duyên khiến toán học thực sự trở thành con đường sự nghiệp của Phạm Hoàng Hiệp xuất hiện khi ông vào lớp chất lượng cao của khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Chàng sinh viên năm thứ nhất đã làm GS Nguyễn Văn Khuê sửng sốt khi trao đổi với thầy về những mệnh đề toán học chưa có lời giải. Những kiến giải mà Hiệp nêu ra khiến thầy giáo rất ngạc nhiên và hài lòng. GS Nguyễn Văn Khuê đã khuyến khích cậu học trò cưng của mình theo đuổi việc nghiên cứu toán học một cách chuyên sâu. Ông cũng hướng dẫn và gợi mở cho Hiệp cách tìm đọc tài liệu - đặc biệt là tài liệu tiếng Anh.
Phạm Hoàng Hiệp miệt mài nghiên cứu. Lấy xong bằng thạc sỹ, ông vừa giảng dạy tại Đại học Sư phạm vừa công bố công trình trên các tạp chí toán học hàng đầu thế giới, vừa thường xuyên trao đổi học thuật qua email với các giáo sư toán ở Thụy Điển, Pháp, Bỉ...
Chỉ sau một năm, Hiệp sang Thụy Điển nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sỹ tại Đại học Umea rồi tiếp tục nghiên cứu sau tiến sỹ tại Trung tâm Toán học quốc tế Trento (Ý), Viện Fourier, Grenoble và Đại học Aix-Marseille (Pháp).
Ông được Hội đồng Chức danh nhà nước công nhận phó giáo sư đúng 3 năm sau - thời gian tối thiểu phải có tính từ khi được học vị tiến sỹ cho đến khi được phong phó giáo sư. Cuối năm 2013, ông bảo vệ luận án sau tiến sỹ khoa học tại Đại học Aix-Marseille, Pháp.
Năm ngoái, PGS-TSKH Phạm Hoàng Hiệp được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi. Nói về công trình này, Hiệp không quên người có đóng góp lớn cho thành công của mình khi tiết lộ, ông đã cùng GS Jean-Pierre Demailly - Viện Fourier (Pháp) - nghiên cứu về một đánh giá chặn dưới tốt nhất có thể của một chỉ số liên quan đến độ kỳ dị của một lớp các hàm nhiều biến trong toán học. Công trình giúp hiểu và kiểm soát tốt hơn về độ kỳ dị của các lớp hàm này.
“GS Jean-Pierre Demailly là một nhà khoa học tuyệt vời. Ông có tầm hiểu biết rất rộng, nhưng kiến thức về từng vấn đề cụ thể cũng lại rất sâu sắc. Làm việc cùng ông, tôi liên tục được động viên, cổ vũ bằng nhiều cách. Khi thì ông hỏi tôi nghiên cứu đến đâu rồi và cùng thảo luận, có lúc cùng ăn trưa ông lại tiếp tục trao đổi về nghiên cứu. Đó là cách ông thúc đẩy, khiến tôi luôn nỗ lực hết sức mình” - PGS trẻ chia sẻ.
Thay đổi cách dạy học
Vô tình nghe PGS-TSKH Phạm Hoàng Hiệp nhắc đến cậu con trai 5 tuổi, tôi hỏi: “Anh dạy cho con học thế nào? Dạy toán cho trẻ thực sự không đơn giản, môn này vẫn bị cho là khô khan, khó hiểu quá”.
Ông bố trẻ bật cười: “Toán học thực ra không khô khan tí nào cả. Chính cách dạy máy móc mới biến toán học lý thú trở thành khó hiểu. Này nhé, nếu em bé đã biết đếm thì dạy em bé phép tính phải thật trực quan, ví dụ như con có 1 cái kẹo, mẹ cho con 1 cái kẹo, rồi bố lại cho con 1 cái kẹo nữa, vậy con có mấy cái? Bé sẽ dễ dàng liên tưởng và hình dung ra phép tính, nhanh chóng có câu trả lời”.
Ông giải thích thêm: “Chỉ những gì trực quan sinh động mới dễ hiểu, khiến người ta nhập tâm được, từ đó mới vận dụng vào thực tế. Bởi vậy, người thầy không chỉ cần truyền đạt kiến thức một cách chân phương, ngắn gọn nhất mà phải tạo được sự liên tưởng, kết nối với thực tiễn thì bài học đó mới thực sự thẩm thấu”.
Trải qua hơn 10 năm dạy học, càng ngày PGS Hiệp càng thay đổi cách tiếp cận vấn đề sao cho đơn giản, khúc chiết hơn, để sinh viên, nghiên cứu sinh có thể nắm bắt một cách nhanh chóng.
Ông tâm sự: “Những ngày đầu đi dạy, tôi thường ra những bài toán thật khó, đòi hỏi phải tận lực suy nghĩ; nhưng sau nhiều năm, dần dần suy nghĩ đó thay đổi. Tôi hiểu rằng để dạy được toán, không chỉ cần truyền thụ những phương trình phức tạp mà còn phải dẫn dắt người học hứng thú với việc giải quyết những phương trình tưởng như đơn giản”.
PGS Hiệp ví nghiên cứu toán học cũng như khoa học cơ bản nói chung với hoạt động phát triển thể thao, cần phong trào ở nhiều nơi với nhiều người tham gia, càng đông người tham gia thì xác suất phát hiện vận động viên giỏi, có tố chất càng lớn.
Với khoa học cũng vậy, càng có nhiều người làm nghiên cứu càng tốt, vì chỉ cần một trong số các nghiên cứu lý thuyết được ứng dụng đã có thể dẫn tới sự thay đổi bộ mặt cả thế giới. Nếu nghiên cứu chưa thể ứng dụng ngay thì ít nhất nó cũng phát huy được vai trò trong việc đào tạo những người đi sau.
Đôi lúc thấy cô đơn
PGS-TSKH Phạm Hoàng Hiệp rất thích khi đi hợp tác nghiên cứu ở nước ngoài - các cường quốc về học thuật, nghiên cứu, nơi cộng đồng khoa học tương đối hoàn chỉnh, môi trường nghiên cứu rất chuyên nghiệp.
Ông vẫn thường có những chuyến đi nước ngoài ngắn hạn theo lời mời của các trường đại học. Đó cũng là những dịp được giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau trong thế giới hội nhập. Theo vị PGS trẻ, ở trong nước, hoạt động nghiên cứu khoa học trầm lắng hơn, người làm khoa học không có môi trường học thuật để trao đổi thường xuyên. “Đôi lúc thấy cô đơn” - ông cười trầm ngâm, đẩy lại cặp kính ngay ngắn trên sống mũi.
Là người trẻ có thành công khá sớm, Phạm Hoàng Hiệp tâm sự: “Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, do đó mỗi người phải biết tranh thủ thời gian này để học tập kiến thức, nâng cao trí tuệ của bản thân. Làm giỏi bất cứ nghề nghiệp nào có ích cho xã hội cũng đều mang lại vinh quang và hạnh phúc cho chính mình”.
Nói về học trò của mình, GS Nguyễn Văn Khuê đã tự hào: “Cậu ấy giỏi hơn tôi. Nhưng trong cộng đồng khoa học, cậu ấy lại rất khiêm tốn, chỉ khi tôi hỏi đến cậu ấy mới trả lời, mà câu trả lời thường rất sắc sảo”. GS Khuê còn dự đoán, Phạm Hoàng Hiệp sẽ sớm được phong hàm giáo sư và “lại là giáo sư trẻ nhất nữa cho xem”.