Cái chết từ trước đến nay vẫn được số đông định nghĩa là một điều gì đó rất đáng sợ. Tuy nhiên, quan điểm này đang dần thay đổi và các nhà khoa học thậm chí còn nghĩ tới việc tìm ra chuẩn để cái chết của chúng ta trở nên êm ái, dễ chịu.

Thay đổi trong cách nhìn nhận về cái chết

Khi đề cập đến cái chết, người ta thường nghĩ về đầu lâu, bộ xương khô, “thần chết” gớm guốc… Đây là hình ảnh xuất hiện từ những năm 1300 tại châu Âu, khi trận dịch hạch lớn cướp đi gần 50% dân số châu lục này. Ám ảnh về cái chết khiến người ta quan niệm rằng “một cuộc sống tốt đẹp” hay “một cái chết êm ái” là khi chúng ta không phải chịu đựng, không phải khổ đau.

Một bộ phận khác khi nói về cái chết sẽ nghĩ đến hình ảnh linh hồn rời bỏ thể xác, về những hình ảnh, màu sắc nhờ nhờ không rõ. Theo bà Judith Johnson - tác giả cuốn “Rọi sáng vào sự chết và cái chết”, những hình ảnh này tuy không thể trả lời câu hỏi “Đây có phải một cái chết êm ái hay không”, nhưng rõ ràng không biểu hiện cho nỗi sợ sệt khi đối diện cái chết.


Quan điểm về cái chết đang ngày càng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Quan điểm về cái chết đang ngày càng trở nên nhẹ nhàng hơn. Ảnh: Erniecarrasco.com

Rất nhiều người quan điểm rằng cái chết thực ra chỉ là phương diện đối lập của cuộc sống: Cuộc sống là một vòng tuần hoàn, chúng ta sinh ra, sống rồi mất đi và được tái sinh, rồi lại sống và lại chết. Thái độ cởi mở và quan điểm “lành mạnh” hơn về cái chết đã giúp chúng ta có cách ứng phó khác với sự đau khổ. Giờ đây, khi nhìn nhận về cái chết, cái mà nhiều người quan tâm là chúng ta đã nhận và làm được gì trong cuộc đời mình. Việc đối diện với nỗi khổ ái và sự đau đớn thể xác giúp chúng ta định nghĩa được rằng “cái chết êm ái” không phải là cái chết trông có vẻ bình yên, mà nó xảy ra khi chúng ta đã hoàn thành những công việc mà mình cho là cần thiết.

Theo bà Judith Johnson, chúng ta cần cởi mở để sống và chết tới tận cùng, để tận hưởng cuộc sống và quan điểm: Hành trình cuộc đời không phải là việc đi tới mộ một cách an toàn - khi cơ thể được bảo quản hoàn hảo - mà là cống hiến hết mình tới kiệt sức và vẫn thốt lên “Thật là một chuyến đi tuyệt vời!”.

Quy chuẩn cho cái chết êm ái

Sự thay đổi quan điểm về cái chết có khiến quy chuẩn cho một cái chết êm ái đổi thay? “Chúng ta đang nói về nền y học cá thể và cũng nên bàn thêm về cái chết cá thể. Việc tìm ra một kiểu chết mà ai đó mong muốn không nên là một chủ đề cấm kỵ” - TS Dilip Jeste - Đại học Y UC San Diego (Mỹ) nói.

TS Dilip Jeste và các đồng nghiệp đang cố gắng đưa ra một khái niệm rộng mở về “cái chết êm ái” để nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân có thể chắc chắn rằng người bệnh - người thân của họ đã được hưởng những giây phút thoải mái và ý nghĩa nhất trong phút cuối cùng.

Nhóm nghiên cứu tìm hiểu dữ liệu về cái chết êm ái theo quan điểm của những người chuẩn bị đón nhận cái chết, của người thân và nhân viên y tế, từ 2 nguồn dữ liệu là PubMed và PsycINFO. Thật đáng ngạc nhiên, trong 20 năm qua, chỉ có 36 bài viết về vấn đề liên quan. Đó là những nghiên cứu tại Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Jeste và cộng sự tìm thấy 11 yếu tố tạo thành “cái chết êm ái”, bao gồm: Chết nhưng vẫn giữ được nhân phẩm, không đau đớn, chất lượng cuộc sống, gia đình, tình cảm, đạo đức và tâm linh, khả năng hoàn thành công việc, sở thích về việc điều trị và quá trình chết, mối quan hệ với người cung cấp dịch vụ chăm sóc cùng “yếu tố khác”.

Tùy việc người được hỏi là ai, thứ tự về độ quan trọng của những yếu tố trên sẽ thay đổi, nhưng vẫn có sự trùng khớp ở một vài người. 100% số bệnh nhân và người thân, 94% số nhân viên chăm sóc cho rằng mong muốn chuẩn bị cho cái chết (chọn ai ở bên khi bạn qua đời, nơi nào và khi nào bạn qua đời) được coi là một nhân tố quan trọng cho “một cái chết êm ái”.

Rất nhiều người cho rằng để thoải mái trong khi chết, bệnh nhân phải không bị đau (90% số người thân, 85% số bệnh nhân và 83% số nhân viên y tế đề cập tới điều nàt).

Vấn đề tâm linh, tín ngưỡng dường như là yếu tố quan trọng trong việc định nghĩa cái chết êm ái với người sắp từ giã cõi đời hơn là với người thân, nhân viên chăm sóc y tế. 65% bệnh nhân quan tâm, trong khi chỉ có 59% số nhân viên y tế và 50% số người thân đánh giá đúng mức độ của yếu tố này.

Trong khi người nhà quan tâm tới thể diện của người sắp chết cũng như chất lượng cuộc sống thì nhân viên y tế và bản thân người đang chết lại ít chú ý tới nó hơn.

“Với người đang chết, mối lo lắng dường như hiện hữu và mang tính tâm lý hơn so với nỗi đau thể chất” - Jeste nói.

“Chúng tôi thường thấy có sự khác biệt giữa bệnh nhân, người thân và nhân viên y tế trong đánh giá điều gì là quan trọng nhất với một người khi họ sắp lìa đời… và chúng ta cần để tâm tới tất cả các khía cạnh cần thiết của việc chăm sóc người sắp chết” - TS Emily Meier - nhà tâm lý học tại Trung tâm Ung thư Moores, UC San Diego, Mỹ - cho biết.