Khó hình dung một người làm nghiên cứu - công việc gắn bó với giấy tờ, chữ nghĩa - lại phải dùng kính lúp soi từng chữ một mới đọc được; nhưng đó là điều mà PGS-TS Lê Viết Kim Ba - nhà khoa học đoạt giải Kovalevskaia - đã từng trải hơn 30 năm qua.

PGS Kim Ba nguyên là giảng viên Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, là người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo thành công các loại màng lọc ứng dụng trong y tế, sinh học và môi trường. Trong thập kỷ 1980, màng siêu lọc máu do bà chế tạo đã cứu sống nhiều bệnh nhân suy thận nặng, khi việc nhập khẩu loại vật tư y tế này còn rất khó khăn.

Nghị lực phi thường

Ở tuổi 73, TS Lê Viết Kim Ba có thể đi lại mà không đụng vào đồ đạc trong nhà là nhờ trí nhớ. Mỗi khi ra mở cửa hay đến đầu cầu thang, bà phải lần bằng tay bởi đôi mắt chỉ đem lại cho bà hình ảnh lờ mờ về sự vật. Nghỉ hưu đã lâu, thị lực lại kém như vậy nhưng khi có bạn đến chơi, vui miệng bàn về học thuật, tôi lại thấy bà lôi tài liệu ra, dò đọc từng chữ bằng loại kính lúp phóng chữ cực đại của mình.

Bà Giáng Hương - người bạn đã có 60 năm gắn bó với TS Lê Viết Kim Ba, từng công tác tại Viện Năng lượng nguyên tử - giải thích: “Mắt chị Kim Ba kém từ những năm 1980 do bệnh viêm màng bồ đào. Chị đã phẫu thuật 4 lần nhưng vẫn phải dùng kính lúp soi từng chữ mới đọc được tài liệu. Người khác đọc trong 1 giờ thì chị ấy phải đọc mất 9-10 giờ. Ấy vậy mà chị vẫn gắn bó được cả đời với việc nghiên cứu”.

Bản thân TS Kim Ba không thấy cần phải nói nhiều về đôi mắt hay nghị lực của mình, thứ đã được hun đúc từ truyền thống gia đình - với mẹ là hiệu trưởng, bố công tác trong ngành hóa học và truyền thống quê hương - làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) - nơi nổi tiếng với câu ca: “Nguyệt Viên mười tám ông nghè/Ông cưỡi ngựa tía, ông che tàn vàng”.

Phó Giáo sư - tiến sỹ Lê Viết Kim Ba. Ảnh: Dung Đoàn

Tuy có nền tảng gia đình, con đường học hành của bà lại bắt đầu khá muộn. Tự học với mẹ ở nhà, đến 9 tuổi bà Kim Ba mới vào lớp ba. Xong lớp 5, bà được đi học ở Cộng hoà Dân chủ Đức, rồi trở thành công nhân sợi hoá học vào năm 18 tuổi khi học hết lớp 8. Về nước, trong 3 năm làm việc tại phòng Hóa học thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ), cô công nhân âm thầm đọc sách để tự nâng cao kiến thức và học bổ túc ban đêm để thi tốt nghiệp cấp ba.

“26 tuổi, tôi mới hoàn thành chương trình phổ thông và được cử đi học tại ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học tự nhiên)” - TS Lê Viết Kim Ba kể. Nhờ tốt nghiệp loại xuất sắc, bà được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và sự nghiệp khoa học lúc đó mới bắt đầu.

Duyên nợ với các loại màng lọc

TS Kim Ba biết về màng lọc qua một bài báo nước ngoài. “Tôi thấy hay hay, nghĩ nước mình đang cần nên nghiên cứu sâu cho luận án tiến sỹ tại Đức” - bà chia sẻ. Trong 4 năm, bà và thầy giáo đã có 3 sáng chế liên quan đến màng lọc. Đề tài đầu tiên là nghiên cứu chế tạo màng thẩm thấu ngược để làm ngọt nước biển, thực hiện từ năm 1980. Kinh phí được cấp chỉ đủ mua hóa chất, nguyên vật liệu nên bà phải bù thêm.

“Tiền tôi không có nhiều, phần lớn là xin bạn bè, xin thầy ở Đức theo kiểu “năng nhặt chặt bị”, nhưng “kiến tha mãi vẫn không đầy tổ” - bà cười tâm sự. “Ở nước ngoài, nhà khoa học cần gì là được đáp ứng ngay, nhưng ở mình thì phải tự kiếm, rồi xin chỗ này, chỗ kia. Nhiều khi xin về không dùng được, phải “liệu cơm gắp mắm”, không có vật liệu này thì phải nghĩ cách thay bằng vật liệu khác, không thay được thì phải thay đổi tính chất của nó”. Vậy mà tác giả đã thành công trong việc “ép” nước ngọt và giữ muối ở lại.

Luôn tâm niệm đã đổ công, của nghiên cứu thì phải ứng dụng được, bà luôn lặn lội tìm hiểu nhu cầu thực tế trước khi bắt đầu đề tài.

“Khi tôi đến Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ nói màng siêu lọc máu rất cần cho người suy thận nặng nhưng việc nhập khẩu rất khó khăn. Hình ảnh những bệnh nhân đứng giữa sự sống và cái chết ám ảnh tôi, dẫn đến quyết định nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu. Trong 2 năm đầu, kinh phí chưa được cấp bởi người ta nghi ngờ đề tài này khó thành hiện thực” - bà tâm sự.

“Đến khi thử nghiệm, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn tự tay kiểm tra máu trước và sau khi lọc, theo dõi mọi xét nghiệm trong quá trình lọc máu. Lúc đó ông ấy mới tin là tôi làm được”. Sau đó, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước đã ký hợp đồng với ĐH Tổng hợp Hà Nội để chế tạo dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu công suất 1.500 cặp/năm.

Cuối những năm 1990, nhận thấy màng lọc dịch tiêm, truyền phải nhập với giá rất cao từ Anh, Đức, Mỹ, trong khi mỗi năm cả nước cần khoảng 10 triệu lít dịch truyền, 800 triệu ống thuốc tiêm, TS Kim Ba đã phụ trách nghiên cứu chế tạo các loại màng lọc này.

Sản phẩm được Hội đồng Khoa học cấp nhà nước đánh giá là sản phẩm công nghệ tiên tiến, chất lượng tương đương màng lọc của các nước phát triển nhưng giá thấp hơn nhiều. Sản phẩm thương mại hoá có tên Diamond, đã được ứng dụng tại nhiều cơ sở sản xuất dịch tiêm truyền và được trao huy chương vàng Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp năm 1999.

Nói về đời nghiên cứu của mình, TS Kim Ba tự nhận: “Tôi là người nhút nhát, nhưng khi làm khoa học lại rất bạo dạn, tự tin”. Có lẽ câu nói này đủ để lý giải cho những thành tựu của người phụ nữ đọc con chữ bằng kính lúp.

PGS - TS Lê Viết Kim Ba sinh năm 1943 tại Thanh Hóa. Năm 1990, bà nhận giải thưởng Kovalepskaia cho đề tài “Dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu”. Với sản phẩm màng lọc dịch tiêm truyền Diamond, bà đã nhận giải ba giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam, huy chương Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ.

GS Phạm Song - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - nhận xét về đề tài “Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu” của PGS-TS Lê Viết Kim Ba:

“Hướng nghiên cứu của đề tài này rất đúng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành y tế Việt Nam trong thời điểm nghiên cứu và cả trong tương lai, có tính chất khoa học hiện đại, có ý nghĩa thực tiễn và nhân đạo. Siêu lọc máu là phương pháp lý thú, có nhiều hứa hẹn, khả năng chữa bệnh vượt ra khỏi phạm vi bệnh thận. Việc nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu là cách đi đúng hướng để đuổi kịp các nước tiên tiến bằng con đường ngắn nhất. Đề tài đã thành công khả quan. Màng lọc do Việt Nam nghiên cứu chế tạo đã đạt các chỉ tiêu chất lượng tương đương với màng lọc của nước ngoài” - lược trích hồ sơ nghiệm thu đề tài ngày 25/9/1990.

GS-TS Lê Vũ Khôi - nguyên Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội - đánh giá dự án “Dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu”:

Nhờ các kết quả nghiên cứu trên mà màng lọc của Việt Nam có được bước tiến bộ nhảy vọt về chất lượng. Chúng ta đã làm được 2 loại màng mới là màng lọc thuốc tiêm, dịch truyền và màng lọc vi trùng. Các loại màng này đã được kiểm tra và ứng dụng thử tại Xí nghiệp dược phẩm Trung ương I, II và được đánh giá chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của một số hãng nổi tiếng thế giới như Seitz và Sartoirus” - trích hồ sơ nghiệm thu dự án năm 1998.