Từ “gõ đầu trẻ” đến nghiên cứu khoa học
Trong phòng làm việc nhỏ và yên ắng nằm khuất giữa những tòa nhà của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, TS Hà Phương Thư say sưa kể về nano, về những ý tưởng và tham vọng của mình với cây thuốc Việt bằng giọng Huế dịu dàng có sức truyền cảm của người từng đứng trên bục giảng.
TS Thư tiết lộ, trước khi bước hẳn vào nghiệp nghiên cứu, bà là cô giáo dạy cấp ba ở Huế: “Đi dạy được 3 năm thì tôi ra Hà Nội học tiến sỹ. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình còn thiếu nhiều kiến thức quá, đi học để về dạy tốt hơn. Ngờ đâu, càng học tôi càng yêu thích công việc nghiên cứu”.
Kinh nghiệm “gõ đầu trẻ” là một lợi thế giúp TS Thư truyền đạt ý tưởng, thuyết trình đề tài một cách thuyết phục. Tuy nhiên, lắm khi cũng chính cái mác cô giáo cấp ba đã làm khó bà.
“Vài người không đánh giá cao khả năng nghiên cứu của một cô giáo. Tôi thì luôn tự hào dù nhiều lần việc đề xuất đề tài gặp khó khăn vì xuất phát điểm này. Học là một chuyện, dùng kiến thức để giải quyết vấn đề lại là chuyện khác” - TS Thư quả quyết. Trong hơn 10 năm dấn thân vào nghiệp nghiên cứu, bước chân qua những địa hạt khác nhau, bà đã chứng minh được năng lực của mình.
Tiến sỹ Hà Phương Thư trong phòng làm việc tại Viện Khoa học vật liệu. Ảnh: NV
Năm 2007, về nước sau một thời gian làm việc, học tập tại Pháp và Nhật, TS Thư đầu quân cho Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. “Đó là thời điểm GS Nguyễn Văn Hiệu khởi xướng hướng nghiên cứu về công nghệ nano. Dưới sự dẫn dắt của GS Nguyễn Xuân Phúc và TS Trần Thị Minh Nguyệt, tôi đã học những kiến thức đầu tiên về lĩnh vực mới mẻ này” - TS Thư hồi tưởng.
Sau một thời gian “tự nâng cấp” bằng cách vận dụng phương pháp nghiên cứu học từ nước ngoài, tự đọc, chủ động học hỏi từ người đi trước, trao đổi với các nhóm nghiên cứu trên thế giới để thu thập tài liệu và cập nhật kiến thức, bà mạnh dạn đề xuất đề tài từ Quỹ Nafosted (Bộ KH&CN), Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Khoa học vật liệu, lập nhóm nghiên cứu riêng.
Nano hóa để nâng vị thế cây thuốc Việt
Tình cờ biết TS Hà Phương Thư và đề tài “Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư” qua TV, lãnh đạo Công ty dược mỹ phẩm CVI đã tìm đến bà với mong muốn đồng hành trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này với cây cỏ Việt Nam.
“Việt Nam có gần 4.000 loài cây cỏ, hơn 1/3 là cây thuốc, có mặt trong các bài thuốc cổ truyền, dân gian. Thực tế, Việt Nam có nhiều bài thuốc hay nhưng kết quả sử dụng nhiều khi chưa đạt như mong muốn. Việc dược chất khó tan trong nước là một nguyên nhân. Để khắc phục điều này, dân gian thường nấu cao, sắc, ngâm rượu. Những cách này thường làm giảm hoạt tính của thuốc và không phát huy tối đa tác dụng” - TS Thư phân tích. Từ thực tế đó, bà đề xuất hướng nghiên cứu chế tạo phức hệ nano FGC để hỗ trợ bệnh nhân đang và sau xạ trị ung bướu.
“Tây Tạng có bài thuốc hắc hoàng kỳ phương, dùng nghệ vàng và tam thất điều trị ung thư máu. Việc dùng trực tiếp nghệ và tam thất không hiệu quả bằng nano hóa. Để kết hợp nano cucurmin trong nghệ và nano ginseng trong tam thất, tôi sử dụng fucoidan từ rong nâu - một chất có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, tăng khả năng miễn dịch - để bao gói chúng. Kết hợp 3 thành phần, tôi điều chế được phức hệ có kích thước nano để tăng khả năng hấp thụ và tiêu diệt tế bào ung thư” - TS Thư giải thích.
Nữ TS chia sẻ: “Trong tương lai, tôi và cộng sự sẽ chọn các bài thuốc hay của Việt Nam, nano hóa dược liệu trong đó để tăng hiệu quả sử dụng, hướng tới mục tiêu lâu dài là nâng cao giá trị của cây thuốc Việt”. Theo bà, đưa ra ý tưởng đã khó, điều khó hơn là khả năng hiện thực hóa nó, nghĩa là ý tưởng phải phù hợp với tính thời sự trong khoa học và thực tế.
Nói thêm về hướng đi gắn các ý tưởng vào việc giải quyết vấn đề thời sự, TS Hà Phương Thư vui vẻ: “Hệ dẫn thuốc có cấu trúc nano không chỉ giải quyết vấn đề điều trị ung thư mà còn hữu ích với nhiều vấn đề khác. Ví dụ, trước tình trạng dư lượng kháng sinh trong tôm, cá rất cao, nhóm của tôi đã triển khai nghiên cứu nano hóa các chất kháng sinh để tăng khả năng chữa bệnh của tôm, giảm liều dùng. Việc dùng kháng sinh tuỳ tiện dễ dẫn đến kháng thuốc và sản phẩm nano còn được chế tạo theo hướng làm giảm khả năng này. Hy vọng nghiên cứu của chúng tôi sẽ giải quyết được những vấn đề này trong thời gian ngắn nhất”.
TS Hà Phương Thư sinh năm 1974, hiện là Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Năm 2012, TS Thư là một trong 3 nhà khoa học nữ nhận giải thưởng L’Oreal UNESCO “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học” với đề tài nghiên cứu “Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư”.
Năm 2013, TS Thư nhận giải “Ngày phụ nữ sáng tạo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ công bố quốc tế đầu tiên về nano y sinh đến nay, bà đã có 29 công bố quốc tế trong lĩnh vực này. |