2015 TC25 có đường kính khoảng hai mét, phản xạ 60% ánh sáng Mặt Trời chiếu vào, là tiểu hành tinh nhỏ nhất từng được tìm thấy.

tieu-hanh-tinh-nho-nhat-co-kich-thuoc-chi-bang-con-nguoi

2015 TC25 là tiểu hành tinh nhỏ nhất từng được tìm thấy. Ảnh minh họa: NASA.

Các nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu về tiểu hành tinh 2015 TC25 có đường kính khoảng hai mét, lớn hơn một chút so với người bình thường, trên tạp chí Astronomical Journal hôm 11/11. Đây là tiểu hành tinh nhỏ nhất từng được phát hiện.

2015 TC bay qua Trái Đất hồi tháng 10/2015 ở khoảng cách 128.000 km, bằng một phần ba khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Nhờ vậy, các kính thiên văn có thể thu thập nhiều dữ liệu về nó.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi có dữ liệu quang học, hồng ngoại và radar về một tiểu hành tinh nhỏ như vậy. Bạn có thể coi nó như một thiên thạch trôi nổi trong không gian, chưa đâm vào bầu khí quyển", Vishnu Reddy, đến từ trường Đại học Arizona, Mỹ, tác giả chính nghiên cứu, cho biết.

2015 TC25 được quan tâm đặc biệt bởi nó sáng rực rỡ, phản xạ 60% ánh sáng Mặt Trời thu nhận được. Vì thế, nó được xếp vào nhóm tiểu hành tinh hiếm gặp gọi là Aubrites, gồm các thiên thạch mang nhiều khoáng chất phát sáng như silicat. 2015 TC25 cũng là một trong 5 thiên thể nhỏ nhất có chu kỳ quay của riêng nó, khoảng 133 giây/vòng.

Reddy cho rằng 2015 TC25 có thể tách ra từ một tiểu hành tinh lớn mang tên 44 Nysa, nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa Trái Đất và sao Hỏa, khi một tiểu hành tinh khác đâm vào nó.

Các thiên thể nhỏ có thể va chạm với bề mặt Trái Đất. Vì thế, bằng cách nghiên cứu thiên thể trong không gian, chúng ta có thể theo dõi trước và sau khi chúng đi vào bầu khí quyển.