Thi hài người phụ nữ Trung Quốc 2.100 năm tuổi với làn da mềm mại, chân tay có thể duỗi gập là xác ướp bảo quản tốt nhất từng được phát hiện.

Xác ướp 2.100 năm tuổi còn nguyên vẹn ở Trung Quốc. Ảnh: Alamy.

Xác ướp "phu nhân của Dai" 2.100 năm tuổi là xác ướp bảo quản tốt nhất từng được phát hiện, Sun hôm 30/11 đưa tin.

Phu nhân của Dai, còn gọi là Tân Truy, sống dưới triều đại nhà Hán (206 trước Công nguyên-220) và là vợ một hầu tước. Xác ướp của bà có làn da mềm mại, chân tay có thể gập cong, phần tóc, lông mi và cơ quan nội tạng vẫn nguyên vẹn.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi, Tân Truy mắc bệnh tiểu đường, đau lưng, huyết áp cao, tắc động mạch, các bệnh về gan, sỏi mật. Bà qua đời ở tuổi 50 vì một cơn đau tim. Các nhà khoa học cho rằng đây là trường hợp mắc bệnh tim lâu đời nhất thế giới.

thi-hai-hau-tuoc-phu-nhan-trung-quoc-nguyen-ven-suot-2100-nam-1

Hình ảnh tái tạo dung nhan của Tân Truy. Ảnh: Alamy.

Mộ của Tân Truy được phát hiện bên trong đồi Mã Vương Đôi, Hồ Nam, Trung Quốc vào năm 1971, khi các công nhân đào một hầm trú ẩn. Các nhà khảo cổ học khai quật được 120 bộ quần áo bằng lụa, 182 món đồ sơn mài đắt tiền và nhiều đồ trang điểm, vệ sinh ở đây. Ngoài ra, họ cũng tìm thấy 162 bức tượng nhỏ chạm khắc bằng gỗ, tượng trưng cho người hầu trong mộ.

Theo ghi chép, thi thể của Tân Truy được quấn 20 lớp lụa, ngâm trong dung dịch axit yếu và đóng kín bằng 4 lớp quan tài. Hầm mộ sau đó được phủ đầy 5 tấn than rồi bịt kín bằng đất sét, ngăn nước và không khí, nên vi khuẩn không thể phát triển mạnh bên trong hầm. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do chính xác giúp xác ướp được bảo quản tốt tới ngày nay.