Lý giải việc trở thành tiến sỹ ở tuổi 30 vào năm ngoái, Trương Hải Nhung cho biết một phần do chị sớm xác định đường đi để chuyên tâm “leo dốc”, bởi đã nuôi dưỡng đam mê từ những ngày mon men rửa ống nghiệm, nuôi chuột cho các bậc tiền bối thí nghiệm.

Một lý do nữa được Trương Hải Nhung đưa ra để giải đáp thắc mắc “trẻ thế sao đã là tiến sỹ rồi”: “Bởi mình làm việc ở môi trường học thuật. Ở đó, nếu không tiến lên, mình sẽ bị đào thải”. Với chị, khi đã vạch ra con đường thì việc còn lại chỉ đơn giản là dồn sức lao thẳng về đích.

Nghề chọn người hay người chọn nghề?

Nhắc đến cái duyên gắn bó với công nghệ sinh học, TS Nhung luôn nói “nghề đã chọn tôi”. Nhưng câu chuyện chị kể cho thấy tuy có chút can thiệp của số phận, người phụ nữ sở hữu nụ cười tươi rói này vẫn nhất quán đi theo sự lựa chọn của chính mình.

“Hồi bé tôi hay ốm nên mẹ tâm niệm lớn lên tôi phải thành bác sỹ để chăm sóc bản thân và mọi người. 18 tuổi, tôi thi Đại học (ĐH) Y - Dược TPHCM và khoa Công nghệ sinh học, (ĐH) Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM. Trượt trường y, tôi học công nghệ sinh học nhưng chỉ thấy nó hay hay chứ không biết ra trường sẽ làm gì” - TS Nhung kể.

TS Trương Hải Nhung trên ban công ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: NV

Tuy nhiên càng học, cô gái trẻ càng bị công nghệ sinh học thu hút và nỗ lực để lọt vào nhóm sinh viên giỏi. Dù mẹ vẫn yêu cầu ôn thi bằng được vào trường y, Nhung chỉ có thể dồn đam mê vào các bài giảng trên lớp và những giờ thí nghiệm. Chị vẫn đi thi rồi về nói với mẹ là làm bài không tốt, chắc không có duyên với nghề y. Mẹ chị cũng không ép nữa.

Năm thứ hai, Nhung và một người bạn viết thư xin vào làm trong phòng lab của trường. Chị kể: “Sinh viên năm hai mà làm vậy là liều lắm, nhưng thích quá nên cứ xin. Thầy ấn tượng với sự ham học hỏi của chúng tôi nên nhận vào lab”. Ban đầu, họ chỉ được giao rửa ống nghiệm, làm xong là có cơ hội xem các bậc tiền bối thí nghiệm.

Duyên nợ với… chuột

Có lần, TS Phan Kim Ngọc - Trưởng phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc - bảo: “Trò nào dám mang chuột về nuôi không? Phải làm sao cho nó đẻ mới thể hiện sự tỉ mỉ của người làm nghiên cứu”. Nhung hăm hở mang chuột về nuôi trên sân thượng, dày công tìm hiểu cách chăm sóc và sung sướng khi những lứa chuột con ra đời. Thử thách đầu tiên ấy khơi thêm hứng thú để cô gái mỗi ngày lại thêm gắn bó với công nghệ sinh học.

TS Nhung kể, đề tài đầu tiên chị được tự mình thực hiện từ A đến Z cũng liên quan đến chuột. Đó là khi chị được thầy giao thực hiện mô hình chuột mang tế bào ung thư của người.

“Hồi năm 2007, việc nhập động vật rất khó khăn, giá chuột mang bệnh lý người để làm thí nghiệm rất đắt. Phòng lab của trường chỉ có 2 tủ để thao tác tế bào và 2 tủ nuôi tế bào, thuốc tiêm lên động vật cũng rất ít trong khi người cần thì đông” - TS Nhung nhớ lại.

Tự mày mò làm đi làm lại, cuối cùng chị tạo được mô hình chuột mang tế bào ung thư người trên da, được dùng thử nghiệm khả năng tiêu u của một loại đông dược. Thuốc này sau đó được lưu hành và cô gái trẻ rất hạnh phúc vì đóng góp của mình.

Sinh con được 2 ngày đã sửa luận văn

Hiện là Phó trưởng khoa Sinh học và Công nghệ sinh học của ĐH Khoa học và tự nhiên, TS Nhung không chỉ làm công tác nghiên cứu, quản lý mà còn là một nhà giáo. ThS Nguyễn Hải Nam - học trò và hiện là đồng nghiệp của chị - cho biết: “Cách dạy của TS Nhung là khuyến khích tinh thần tự nghiên cứu. Với mỗi ý tưởng, chị chỉ định hướng ban đầu, yêu cầu sinh viên tự hoàn thiện, sau đó chị sẽ góp ý”.

TS Nhung cho biết có nghe sinh viên phàn nàn về việc phải làm quá nhiều nghiên cứu nhỏ: “Tôi bảo các bạn ấy cứ làm đi, rồi sẽ thấy được giá trị của nó. Khi tự nghiên cứu, mình sẽ hiểu rất sâu, nhớ rất lâu”.

Nhắc đến sự tận tâm của TS Nhung, Nguyễn Hải Nam nhớ lại thời điểm anh làm luận văn: “Chị Nhung vừa sinh 2-3 ngày đã lại bắt tay vào chỉnh sửa báo cáo của tôi. Có những hôm tôi ngồi ở phòng thí nghiệm tới 1-2 giờ sáng, chị ở nhà cũng thức để sửa bài tôi gửi, nhắc nhở những việc phải bổ sung. Trong 2 tuần liền, ngày nào chúng tôi cũng thức đêm làm việc cùng nhau qua mạng. Kết quả không phụ công hai thầy trò, luận văn của tôi được 9,5 điểm”.

Dù là nhà khoa học thì một ngày cũng chỉ có 24 tiếng, TS Nhung thừa nhận chị khó chu toàn việc nhà. Không còn ở lab cả tuần như hồi độc thân nhưng khi làm dự án, chị hay phải làm đến 9-10 giờ đêm.

“Suốt thời gian dài, tôi bị luẩn quẩn với bài toán gia đình và công việc” - chị tâm sự. Giải pháp của TS Nhung là trước mỗi đợt cao điểm, chị chủ động chia sẻ với bố mẹ và chồng để được giúp đỡ. “Ông xã tôi sẽ về sớm hơn để chơi với con; còn tôi khi kết thúc dự án sẽ dành thời gian bù đắp cho gia đình” - nhà khoa học nữ chia sẻ.