Các nhà nghiên cứu từ Trường Kinh doanh của Đại học Monash Malaysia cảnh báo rằng truyền thống ưa thích con trai hơn con gái có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới trong các xã hội châu Á vốn đang già hóa nhanh chóng.

.
.Ảnh minh họa

Nghiên cứu “Hạnh phúc ở tuổi già: Mối liên hệ với con gái” đăng trên Journal of Happiness Studies đã cho thấy cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đặc biệt mà châu Á phải đối mặt và khẳng định rằng: mặc dù việc có con trai vốn được nhiều người tin là tốt nhất, việc sống với con gái lại mang lại hạnh phúc lớn hơn.

Đến năm 2030, châu Á sẽ có dân số già nhiều nhất thế giới. Và khi người mẹ già được coi là gánh nặng không mong muốn ở châu Á vốn theo chế độ phụ hệ, thì mối lo ngại về một hình thức bất bình đẳng mới giữa các thế hệ ngày càng gia tăng.

Giáo sư M. Niaz Asadullah - giáo sư Kinh tế Phát triển tại Đại học Monash Malaysia và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: hơn một nửa dân số lớn tuổi ở châu Á là nữ giới và nhiều người tiếp tục phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử về kinh tế và loại trừ xã ​​hội. Những điều này càng làm gia tăng hiện tượng “nữ hóa” tình trạng nghèo đói của người già.

Khi cha mẹ già tìm đến con cái trưởng thành để chăm sóc lúc tuổi già, một hình thức thiên vị giới tính khác liên quan đến việc chăm sóc cha mẹ lại diễn ra trong bối cảnh con trai vốn được ưa chuộng hơn con gái.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi đều sống chung với con trai đã lập gia đình. Tương tự, ở Ấn Độ, có tới 79% người lớn tuổi sống với con trai so với chỉ 39% người sống với con gái. Ở Thái Lan, tỷ lệ người cao tuổi sống với con trai và con gái lần lượt là 29 và 32%. Trong khi đó ở Trung Quốc, chỉ có 4,8% ông bố và 6,46% bà mẹ chọn sống cùng con gái.

“Nghiên cứu của chúng tôi ở Thái Lan - một quốc gia châu Á đang già hóa và không có truyền thống lựa chọn giới tính khi sinh con - xác nhận một điều là: con gái cũng có giá trị đối với cha mẹ trong các xã hội già hóa. So với Trung Quốc và Việt Nam, Thái Lan mang đến bối cảnh thú vị để các nhà khoa học có thể nghiên cứu lại vấn đề về mối liên hệ giữa hạnh phúc tuổi già và giới tính của trẻ em”, giáo sư Asadullah nói.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sống chung với con gái mang lại hạnh phúc theo bốn cách:
  • Tự cảm nhận thấy có sự cải thiện về sức khỏe (đối với người mẹ).
  • Giảm sự cô đơn (đối với cả cha và mẹ).
  • Giảm tình trạng khó chịu hoặc lo lắng đối với người mẹ (trong các trường hợp con gái có mối quan hệ tốt với cha mẹ hoặc có trình độ đại học hoặc trình độ cao hơn).
  • Cải thiện điều kiện kinh tế liên quan đến việc đảm bảo đủ thu nhập ở cả cha và mẹ (trong các trường hợp con gái có trình độ đại học trở lên).
“Những phát hiện của chúng tôi có ý nghĩa quan trọng về mặt chính sách đối với các nền kinh tế châu Á mới nổi nhưng lại đang già hóa nhanh chóng. Các phát hiện cho thấy nguồn vốn con người của trẻ em có thể mang lại lợi ích xã hội cao hơn cho phúc lợi của người già”.

“Các chính sách tăng cường đầu tư vào việc đi học cho nữ giới có thể sẽ có tác động lâu dài đến phúc lợi của người lớn tuổi cũng như đảm bảo các lợi ích về nhân khẩu học được đánh giá đầy đủ”, giáo sư Asadullah cho biết.


Bài đăng số 1291 (số 19/2024) KH&PT