Arthur Mensch, với vẻ ngoài cao gầy và mái tóc bù xù, đang đứng trước một trung tâm công nghệ lớn tại Paris. Anh xuất hiện với vẻ giản dị trong chiếc áo tối màu, quần jeans và đội mũ bảo hiểm xe đạp. Thật khó tin khi biết rằng đây là người mà các chính phủ châu Âu đang trông cậy vào để giúp khu vực này vươn lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Mỹ và Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo.
Anh Mensch, 31 tuổi, là Giám đốc điều hành và là nhà sáng lập Mistral, startup được đánh giá là một trong những đối thủ hứa hẹn nhất đối với OpenAI và Google. “Cậu đã trở thành gương mặt đại diện cho AI ở Pháp”, ông Matt Clifford, một nhà đầu tư người Anh, nói với anh.
Rất nhiều điều đang đè nặng lên Mensch, công ty của anh đã trở thành tâm điểm chú ý chỉ một năm sau khi anh cùng hai người bạn thời đại học thành lập nên nó ở Paris. Khi châu Âu nỗ lực giành chỗ đứng trong cuộc cách mạng AI, Chính phủ Pháp đã xem Mistral là niềm hy vọng khả quan nhất để tạo ra một công ty đi đầu trong lĩnh vực này, họ thậm chí đã vận động các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu tạo điều kiện thuận lợi hết mức cho công ty.
Trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh chóng được tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới, và chính phủ các nước cũng như lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Âu lo ngại rằng tiềm năng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh về kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nếu khu vực không theo kịp Mỹ và Trung Quốc. Đằng sau nỗi lo của họ là niềm tin rằng không thể để những gã khổng lồ công nghệ, như Microsoft và Google thống trị lĩnh vực này. Những công ty này có thể đặt ra các tiêu chuẩn về AI đi ngược với văn hóa và chính trị của các quốc gia khác.
“Vấn đề khi không có một đại diện từ châu Âu nào trong AI, đó là lộ trình phát triển của lĩnh vực này sẽ do Mỹ đặt ra”, anh Mensch, người mới 18 tháng trước còn đang làm kỹ sư chuyên xây dựng các mô hình AI tại phòng thí nghiệm DeepMind của Google ở Paris. Những người đồng sáng lập của ông, Timothée Lacroix và Guillaume Lample, lúc bấy giờ cũng giữ các vị trí tương tự tại Meta.
Trong một cuộc phỏng vấn ở văn phòng của startup Mistral, tọa lạc tại Paris, anh Mensch cho rằng sẽ rất rủi ro khi để những gã khổng lồ công nghệ Mỹ đặt ra các quy tắc cơ bản cho một công nghệ mới có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người.
“Chúng ta không thể bị phụ thuộc về mặt chiến lược”, anh cho biết. “Đó là lý do vì sao chúng ta muốn có một đại diện AI từ châu Âu”.
Từ lâu, châu Âu đã xoay sở để thành lập những công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn. Theo báo cáo của Ủy ban Trí tuệ Nhân tạo của Pháp, khi Google, Meta và Amazon lần lượt xuất hiện tại Mỹ, còn Trung Quốc tạo ra Alibaba, Huawei và ByteDance, thì nền kinh tế số của châu Âu đã tụt lại. Ủy ban gồm 15 thành viên cảnh báo rằng châu Âu đang tụt hậu về AI, nhưng cánh cửa vẫn chưa khép lại hoàn toàn - họ vẫn có thể đảo ngược tình thế.
Mã nguồn mởCông nghệ AI tạo sinh của Mistral giúp các doanh nghiệp ứng dụng chatbot, chức năng tìm kiếm và các sản phẩm do AI điều khiển khác. Nhiều người đã ngạc nhiên khi biết Mistral có thể xây dựng một mô hình cạnh tranh với công nghệ được phát triển tại OpenAI, công ty khởi nghiệp của Mỹ đã châm ngòi cho ‘cơn sốt’ AI vào năm 2022 với chatbot ChatGPT. Được đặt theo tên một loại gió mạnh ở Pháp, Mistral đã nhanh chóng có được chỗ đứng bằng cách phát triển một công cụ học máy linh hoạt và tiết kiệm chi phí hơn. Một số công ty lớn ở châu Âu đã ứng dụng công nghệ của họ, bao gồm tập đoàn ô tô của Pháp Renault và công ty dịch vụ tài chính BNP Paribas.
Chính phủ Pháp đang dành cho Mistral sự hỗ trợ toàn diện. Tổng thống Emmanuel Macron đã gọi công ty là “thiên tài nước Pháp” và mời Mensch đến dùng bữa tối tại dinh Tổng thống Élysée. Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính nước này, cũng thường xuyên ca ngợi công ty bằng những lời có cánh, trong khi Cédric O, nguyên Bộ trưởng Kinh tế số, hiện là cố vấn cho Mistral và sở hữu cổ phần của công ty khởi nghiệp này.
Sự ủng hộ của Chính phủ Pháp là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của AI. Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ả Rập Saudi và nhiều quốc gia khác đang cố gắng tăng cường năng lực AI trong nước, góp phần tạo ra một cuộc chạy đua có thể ảnh hưởng đến chính sách thương mại và đối ngoại cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mistral đã nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất của châu Âu trong cuộc chiến toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu công ty có thể theo kịp các đối thủ lớn của Mỹ, Trung Quốc và phát triển một mô hình kinh doanh bền vững hay không. Ngoài những thách thức lớn về công nghệ để xây dựng một công ty AI thành công, startup này cần một khoản tiền lớn để duy trì và vận hành hệ thống.
OpenAI đã huy động được 13 tỷ USD và Anthropic, một công ty khác ở San Francisco, đã huy động được hơn 7,3 tỷ USD. Còn Mistral thì sao? Anh Mensch cho biết, Mistral cho đến nay đã huy động được khoảng 500 triệu Euro, tương đương 540 triệu USD và thu được “vài triệu” doanh thu định kỳ. Salesforce cùng nhà sản xuất chip Nvidia đã tham gia hậu thuẫn cho công ty khởi nghiệp này.
Điểm khác biệt giữa Mistral với OpenAI, đó là Mistral tin rằng phần mềm AI phải là nguồn mở, nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể tải về, chỉnh sửa hoặc sử dụng lại mã nguồn tùy theo nhu cầu của mình. Họ cho rằng việc cho phép các nhà nghiên cứu khác xem mã sẽ giúp hệ thống của họ trở nên an toàn hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc đẩy nhanh tiến độ ứng dụng trong doanh nghiệp và chính phủ cho các dịch vụ như kế toán, dịch vụ khách hàng và tìm kiếm cơ sở dữ liệu.
Ngược lại, OpenAI và Anthropic đang đóng mã nguồn của họ. Họ lập luận rằng nguồn mở rất nguy hiểm vì nó có khả năng bị lợi dụng cho các mục đích xấu, như truyền bá thông tin sai lệch - hoặc thậm chí tạo ra vũ khí hủy diệt được AI hỗ trợ.
Trước mắt, điều anh Mensch cho là rủi ro lớn nhất của AI là nó sẽ thúc đẩy một cuộc cách mạng tại nơi làm việc, loại bỏ một số công việc dễ bị thay thế, đồng thời sinh ra những công việc mới đòi hỏi phải đào tạo lại nhân sự. “Tiến trình này đang diễn ra nhanh hơn so với những cuộc cách mạng trước đây, không phải trong 10 năm mà có thể sẽ là trong hai năm tới”, anh nói.
Truyền bá văn hóa PhápAnh Mensch sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghiên cứu khoa học. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã bộc lộ sự thích thú với chiếc máy tính, nhờ đó anh được học lập trình từ năm 11 tuổi. Sau khi tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng của Pháp là École Polytechnique và École Normale Supérieure, anh trở thành nhà nghiên cứu vào năm 2020 tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp. Nhưng anh sớm chuyển sang làm việc tại DeepMind, một phòng thí nghiệm AI được Google mua lại, để tìm hiểu về ngành này - và dần trở thành một doanh nhân.
Khi ChatGPT bùng nổ vào năm 2022, anh Mensch đã hợp tác với những người bạn đại học của mình. Họ quyết định rằng họ có thể làm điều tương tự ở Pháp. Tại không gian làm việc thoáng mát của công ty, một nhóm các nhà khoa học và lập trình viên bận rộn gõ bàn phím, mã hóa và cung cấp văn bản số được chọn lọc từ Internet - cũng như những tác phẩm văn học Pháp thế kỷ 19 - vào mô hình ngôn ngữ lớn của công ty.
“Những mô hình này đang tạo ra nội dung và định hình sự hiểu biết của chúng ta về thế giới”, anh Mensch cho hay. “Và hóa ra, các giá trị của Pháp và các giá trị của Mỹ có sự khác biệt khó nhìn thấy, nhưng những khác biệt đó lại vô cùng quan trọng.”
Với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình, Mensch đã kêu gọi EU nới lỏng quy định về AI, cảnh báo rằng các hạn chế sẽ gây tổn hại đến quá trình đổi mới. Mùa thu năm ngoái, Pháp đã vận động nới lỏng thành công một số quy định về hệ thống AI nguồn mở trong Đạo luật Trí tuệ nhân tạo mới của EU - điều này giúp Mistral duy trì tốc độ phát triển nhanh chóng.
“Nếu Mistral trở thành thế lực lớn về công nghệ, thì điều đó sẽ có lợi cho toàn bộ châu Âu”, ông Cédric O, nguyên Bộ trưởng về Kinh tế số, người đứng đầu nỗ lực vận động hành lang, cho biết.
Theo The New York Times