Khoản tài trợ cho nghiên cứu trong chương trình này lên tới 20 triệu USD/năm nhằm thúc đẩy sự đa dạng của các nhóm chủ nhiệm đề tài.

Một số viện nghiên cứu thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đang thực hiện một chiến lược mới nhằm nâng cao tỷ lệ tài trợ cho các nhà khoa học da đen và các nhà nghiên cứu thuộc các nhóm thiểu số khác trong lĩnh vực khoa học thần kinh, sức khỏe tâm thần và lạm dụng ma túy.

Theo Walter Koroshetz - Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ (NINDS), chương trình này sẽ mang đến một dạng tài trợ nghiên cứu tiêu chuẩn R01 mới để “thúc đẩy sự đa dạng của các nhóm chủ nhiệm đề tài”. Cùng với Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH) và Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (NIDA), NINDS đang khởi động chương trình tài trợ hướng đến các nhà nghiên cứu mới và những người thuộc các phòng thí nghiệm đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. Vào năm ngoái, NINDS, NIDA và một viện nghiên cứu khác cũng đã hợp tác thực hiện một chính sách với mục tiêu tương tự, tuy nhiên sau đó NIH đã rút lại chiến lược này vì lo ngại sẽ vi phạm luật chống phân biệt đối xử của liên bang.

Ảnh: NIH

Nhiều người kỳ vọng rằng, sự ra đời của chương trình mới sẽ là một giải pháp hiệu quả để thu hẹp khoảng cách tồn tại lâu nay giữa tỉ lệ nhận tài trợ của các nhà khoa học da đen và nhà khoa học da trắng, ít nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu của ba viện trên. “Tôi cảm thấy rất hài lòng”, Kafui Dzirasa - nhà sinh học thần kinh và là bác sĩ tâm thần tại Đại học Duke, đồng thời là cũng người đã liên tục thúc giục NIH phải có hành động để giải quyết vấn đề, cho biết. Đối với ông, chương trình mới “thực sự có tiềm năng thay đổi cán cân chênh lệch”.

Khoản tài trợ R01 đặc biệt ra đời trong bối cảnh NIH mới công bố các dữ liệu cho thấy có những tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách về tỉ lệ tài trợ giữa các nhóm. Cụ thể, trong năm tài chính 2021, tỷ lệ được nhận ít nhất một khoản tài trợ của một ứng viên da đen là 24,4% - thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với một ứng viên da trắng, trong khi đó trong giai đoạn 2013 - 2019, khoảng cách này lên tới 7 - 9 điểm phần trăm. “Những dữ liệu này đã thôi thúc chúng tôi thực hiện chính sách”, Marie Bernard - Giám đốc chịu trách nhiệm về sự đa dạng của lực lượng nghiên cứu khoa học tại NIH cho biết.

Trước đây, tỉ lệ nhận được tài trợ của các nhà khoa học da đen rất thấp, đến mức giới nghiên cứu đã bị sốc khi dữ liệu về sự chênh lệch này được nhà kinh tế học Donna Ginther đưa ra vào năm 2011. Mặc dù NIH đã có một loạt các chương trình mới nhằm thu hút những nhóm thiểu số tham gia nghiên cứu và nâng cao trình độ đào tạo, “khoảng cách tài trợ” này vẫn không biến mất và khiến cho nhiều người tin rằng đây là vấn đề của thành kiến về chủng tộc.

Theo một số nhà quan sát, bao gồm Dzirasa, 27 viện nghiên cứu và các trung tâm của NIH có thể thu hẹp khoảng cách ấy bằng cách cấp tài trợ cho các đề tài nghiên cứu đạt điểm cao trong vòng thẩm định nhưng lại nằm ngoài ngưỡng tài trợ; cũng như các hồ sơ đề tài thuộc các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên và có thể mang lại những góc nhìn mới và đa dạng. Một số người cho rằng, NIH hoàn toàn có thể xóa bỏ sự chênh lệch về tỉ lệ tài trợ hằng năm, nếu như mỗi viện thuộc NIH trao thêm hai khoản tài trợ cho các nhà khoa học da màu, với tổng chi phí là 32 triệu USD/năm.

Năm ngoái, NINDS, NIDA và Viện Nghiên cứu Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu đã đưa ra một chính sách giúp biến ý tưởng này thành hiện thực. Theo đó, các nhà nghiên cứu thuộc các nhóm thiểu số như người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người khuyết tật và những người có hoàn cảnh khó khăn có thể điền thông tin này vào hồ sơ đăng ký để làm nổi bật đề tài của mình đối với những người quản lý chương trình tài trợ.

Tuy nhiên, vào mùa thu năm ngoái, NIH đã rút lại thông báo này vì lo ngại việc đưa thông tin nhân khẩu vào trong hồ sơ đăng ký có thể dẫn đến vấn đề “pháp lý” và “sự hiểu lầm rằng đề tài của các nhà khoa học thuộc nhóm thiểu số sẽ tự động được ưu tiên tài trợ”, cơ quan này viết. Các quan chức của NIH cũng nhấn mạnh rằng cơ quan này không thể đưa ra quyết định tài trợ dựa trên các yếu tố chủng tộc, giới tính hay sắc tộc.

May mắn là chương trình mới, được công bố vào ngày 9/6, đã vượt qua được những ràng buộc pháp lý ấy nhờ hướng đến mục tiêu tăng cường sự đa dạng ở “một phạm vi rất rộng”, Lauer cho biết. Người đại diện của NIH nhấn mạnh, mặc dù chương trình “khuyến khích” các nhà khoa học thuộc nhóm thiểu số đăng ký, “đây không phải là chương trình dành riêng cho một nhóm nào. Tất cả các nhà nghiên cứu mới hoặc các nhà nghiên cứu có đề xuất chất lượng nhưng chưa nhận được tài trợ thì đều có thể tham gia”. Các quan chức của NIH cũng lưu ý rằng chương trình này là một trong những nỗ lực của họ trong việc tuân thủ nhiệm vụ mà Quốc hội Hoa Kỳ đề ra để hỗ trợ các nhà nghiên cứu chưa có thâm niên tìm kiếm tài trợ.

Tất cả các hồ sơ đề tài gửi đến chương trình mới đều sẽ được xem xét theo tiêu chí của các khoản tài trợ nghiên cứu R01 tiêu chuẩn, nhưng sau đó sẽ cùng “cạnh tranh” để giành được một khoản tài trợ đặc biệt: lên đến 5 triệu USD/năm cho 12 - 15 khoản tài trợ tại NIDA và NIMH, và lên đến 10 triệu USD cho 25 khoản tài trợ tại NINDS.

Đối với Dzirasa, chương trình này đã hoàn thành mục tiêu mà chính sách năm ngoái của NINDS đề ra, đó là: cho phép các cán bộ của chương trình cấp các khoản tài trợ vượt quá ngưỡng của chương trình tài trợ thông thường cho nhà khoa học da đen và các nhóm thiểu số khác.

Song, một số nhà khoa học lại bày tỏ sự băn khoăn với giải pháp này. Theo Michael Taffe - nhà nghiên cứu về lạm dụng ma túy tại Đại học California, San Diego, một điều đáng lo ngại là các hồ sơ đề tài nổi bật của các nhà nghiên cứu da đen - vốn chắc chắn sẽ nhận được tài trợ thông thường của NIH - cũng sẽ được đưa vào chương trình đặc biệt, dẫn đến việc lại thừa ra nhiều khoản tài trợ tiêu chuẩn và cuối cùng lại được cấp cho các hồ sơ kém chất lượng hơn của các nhà nghiên cứu da trắng. “Tôi cho rằng giải pháp này sẽ không hiệu quả bằng việc chúng ta xóa bỏ sự thiên vị ngay từ đầu để tất cả cuộc cạnh tranh nhận tài trợ đều diễn ra thực sự cởi mở và công bằng”, Taffe nói

Và Dzirasa cho rằng, chương trình mới sẽ hiệu quả hơn nếu nó được áp dụng đối với tất cả các cơ quan ở NIH. “Toàn bộ các đơn vị ở NIH nên cam kết thực hiện điều này,” ông nói.
“Chúng tôi không phải đã giành được chiến thắng” trong việc nâng cao tính đa dạng của những người nhận được tài trợ của NIH, Bernard nói. “Còn rất nhiều chúng tôi phải làm lắm”.