Mất đa dạng sinh học là nguyên nhân môi trường lớn nhất gây ra các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, đồng thời khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn và lan rộng hơn.

Nghiên cứu tổng hợp của các nhà khoa học thuộc Đại học Notre Dame (Mỹ) cho thấy tình trạng nhiều giống loài tuyệt chủng là tác nhân lớn nhất dẫn tới gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Xếp sau mất đa dạng sinh học, các tác nhân gây ảnh hưởng khác lần lượt là biến đổi khí hậu và sự xuất hiện của các loài ngoại lai.

Các nhà khoa học đã phân tích gần 1.000 nghiên cứu về những tác nhân môi trường gây bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu, bao gồm tất cả lục địa, trừ Nam Cực. Họ xem xét mức độ nghiêm trọng lẫn tỷ lệ mắc bệnh ở vật chủ thực vật, động vật và con người.

Nhóm tập trung vào năm tác nhân thay đổi mang tính toàn cầu – mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, ô nhiễm hóa chất, sinh vật ngoại lai, và mất môi trường sống. Họ phát hiện ngoại trừ yếu tố mất môi trường sống, bốn tác nhân còn lại đều làm tăng sự lây lan bệnh dịch. Điều tương tự cũng đúng với với các bệnh ở người và không ở người.

Thay đổi môi trường sống làm giảm nguy cơ bởi vì con người có xu hướng di chuyển tới một loại môi trường sống đặc thù: các thành phố. Khu vực đô thị thường có ít bệnh hơn, phần nào do tình trạng vệ sinh công cộng tốt hơn và ít loài hoang dã hơn.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Fiocruz (Brazil) đang giữ con dơi trong dự án nghiên cứu các loại virus ở động vật hoang dã. Ảnh: Silvia Izquierdo
Một nhà nghiên cứu từ Viện Fiocruz (Brazil) giữ chân con dơi trong dự án nghiên cứu các loại virus ở động vật hoang dã. Ảnh: Silvia Izquierdo

Người đứng đầu nghiên cứu, giáo sư Jason Rohr, cho biết: “Ở các khu vực đô thị nhiều bê tông, rất ít loài có thể phát triển trong môi trường như vậy. Từ góc độ bệnh tật ở người, đô thị thường có tình trạng vệ sinh và cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn nhiều khu vực nông thôn”.

Mối quan tâm tới bệnh truyền từ động vật sang người đã tăng lên kể từ đại dịch Covid. Một số nhà nghiên cứu tin rằng bệnh này bắt nguồn từ dơi. Nhiều loại bệnh khác hiện nay đang gây báo động cho các cơ quan y tế toàn cầu – bao gồm cúm lợn và cúm gia cầm – cũng bắt nguồn từ động vật hoang dã. ¾ các căn bệnh mới xuất hiện ở người là truyền từ động vật, như vậy chúng cũng lây sang động vật hoang dã và vật nuôi trong nhà.

Các nghiên cứu từng chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh tật và biến đổi môi trường (chẳng hạn, tình trạng toàn cầu ấm lên đồng nghĩa với bệnh sốt rét lây lan rộng hơn), song trước đây ta chưa rõ tác nhân môi trường nào gây ảnh hưởng lớn nhất. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nhiều tác nhân có mối liên hệ với nhau. “Ví dụ, biến đổi khí hậu và ô nhiễm hóa chất có thể gây mất môi trường sống và biến đổi môi trường sống, điều này lại có thể gây mất đa dạng sinh học”.

Để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, các nhà nghiên cứu cho biết chúng ta cần giảm phát thải, giảm tình trạng mất đa dạng sinh học và ngăn chặn các loài xâm lấn.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature.

Nguồn: