Trung tâm KH&CN Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, đã nghiên cứu sản xuất protein tái tổ hợp trong vi khuẩn Bacillus subtilis để sản xuất vaccine chăn nuôi.

Vi khuẩn Bacillus subtilis hay còn được gọi là trực khuẩn cỏ hoặc trực khuẩn rơm vì hay được tìm thấy trong cỏ, rơm và cả đất. Tuy nhiên, chúng phát triển nhiều trong ống tiêu hóa của người và nhiều loài gia súc, nhất là động vật nhai lại, có lợi cho người nên còn gọi là lợi khuẩn suptilit. Đây cũng là loại vi khuẩn an toàn, không có độc tố. Ngoài ra, Bacillus subtilis hình thành bào tử rất bền, tồn tại trong các điều kiện khắc nghiệt, dễ dàng đáp ứng các điều kiện sản xuất protein ở quy mô công nghiệp. Đặc biệt, Bacillus subtilis còn có khả năng kích thích miễn dịch để hỗ trợ điều trị các bệnh đường tiêu hóa và đường tiết niệu. Đồng thời, vi khuẩn này có thể chuyển đổi một số chất độc hại thành các hợp chất vô hại trong xử lý môi trường.

Với những đặc điểm như trên, vi khuẩn Bacillus subtilis được ứng dụng nhiều trong đời sống như như dùng trong chế biến thực phẩm natto và probiotics cho người, sản xuất chế phẩm sử dụng trong nông nghiệp, sản xuất chất hoạt động bề mặt sinh học dùng để khử trùng các dụng cụ y tế, sản xuất các enzyme và cao phân tử khác nhau dùng trong công nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất và sở hữu công nghệ tạo chủng vi khuẩn Bacillus subtilis biểu hiện protein tái tổ hợp còn ít được nghiên cứu chuyên sâu ở trong nước.

Theeo dõi hoạt động
Nghiên cứu hoạt động bề mặt của vi khuẩn Bacillus subtilis Ảnh: NNC

Tại Techmart Công nghệ sinh học TPHCM 2021, ông Trương Đức Đạt, Trung tâm KH&CN Sinh học, cho biết, sau thời gian nghiên cứu và hoàn thiện dần từ các kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học do Nafosted, Sở KH&CN TPHCM, Viện Hàn lâm khoa học thế giới (TWAS) tài trợ, đến nay, Trung tâm đã làm chủ được công nghệ sản xuất protein tái tổ hợp trong vi khuẩn Bacillus subtilis, có thể ứng dụng sản xuất vaccine dùng trong nông nghiệp. Đồng thời, trung tâm cũng sản xuất thử nghiệm vaccine từ chủng vi khuẩn Bacillus subtilis.

Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm bằng cách cho chuột uống vaccine, kết quả chuột có kháng thể cao và được bảo vệ khi nhiễm vi khuẩn E.coli. Tương tự, thử nghiệm cho tôm dùng vaccine chủng Bacillus subtilis trong 7 ngày rồi gây nhiễm virus bệnh đốm trắng (WSSV), thì 4 ngày sau đó, tôm sử dụng vaccine có tỷ lệ chết thấp hơn tôm không dùng đến 80%. Nghĩa là, tiềm năng của Bacillus subtilis trong sản xuất vaccine chăn nuôi là rất lớn.

Theo ông Đạt, Trung tâm có thể chuyển giao công nghệ sản xuất protein tái tổ hợp trong vi khuẩn Bacillus subtilis để ứng dụng sản xuất vaccine chăn nuôi cho các đơn vị có nhu cầu.