2,9 tỷ người, hay 37% dân số toàn cầu, chưa bao giờ sử dụng internet.
Số người dùng internet đã tăng từ 4,1 tỷ người trong năm 2019 lên 4,9 tỷ người trong năm 2021, một phần do các biện pháp phong tỏa do COVID-19 thúc đẩy kết nối trực tuyến, nhưng đến nay vẫn còn hơn 1/3 dân số thế giới chưa dùng internet. Và ngay cả trong số những người đã dùng, hàng trăm triệu người có thể chỉ truy cập mạng không thường xuyên, sử dụng chung các thiết bị với người khác hoặc có tốc độ kết nối rất chậm, cản trở việc sử dụng internet của họ.
Hai cậu bé sử dụng máy tính tại một quán net ở Nairobi, Kenya.
Trong năm 2020, năm đầu tiên của cuộc khủng hoảng COVID, số người dùng internet trên toàn cầu đã tăng hơn 10% - đây là mức tăng hàng năm lớn nhất trong một thập kỷ trở lại đây. ITU cho rằng các biện pháp như phong tỏa, đóng cửa trường học và nhu cầu tiếp cận các dịch vụ như ngân hàng từ xa đã thúc đẩy người dân sử dụng internet. Nhưng đáng lưu ý là sự tăng trưởng này không đồng đều, vì trong hoàn cảnh phong tỏa do đại dịch thì người dân ở các quốc gia nghèo hơn cũng không có khả năng truy cập Internet để đáp ứng các yêu cầu kết nối.
Ngoài ra, những người trẻ hơn, nam giới và cư dân thành thị có xu hướng sử dụng Internet nhiều hơn người lớn tuổi, phụ nữ và những người ở nông thôn - khoảng cách giới này rõ ràng hơn ở các quốc gia đang phát triển.
Rất khó kết nối internet cho các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, vì chi phí lắp đặt tháp internet di động và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác có thể cao gấp 5 lần so với các khu vực thành thị. Trong khi đó, đây là các cộng đồng nghèo hơn và ít có khả năng chi trả cho dịch vụ internet, vì thế các công ty viễn thông không có nhiều động lực trong việc kết nối các khu vực này.
“ITU sẽ làm việc để đảm bảo tạo ra cơ sở hạ tầng để kết nối 2,9 tỷ người còn lại. Chúng tôi quyết tâm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau,” Tổng thư ký ITU, Houlin Zhao cho biết.
UN ước tính, phải đến năm 2050, hoặc muộn hơn, mới có thể đạt mục tiêu phổ cập internet trên toàn cầu - có nghĩa là 90% dân số thế giới sử dụng internet.
Nguồn:
Hoàng Nam tổng hợp