Việc phòng chống bệnh này cũng được thúc đẩy qua các chính sách như “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng” do Chính phủ ban hành năm 2020. Vậy tại sao kể từ lần đầu tiên phát hiện tại Nha Trang cách đây hơn 100 năm, dịch lở mồm long móng vẫn liên tục bùng phát ở Việt Nam?
Đa dạng biến chủng virus gây bệnh
Câu trả lời hóa ra còn phức tạp hơn người ta tưởng. Bên cạnh những hạn chế trong quản lý bệnh dịch chăn nuôi, sự phức tạp của bệnh lở mồm long móng bắt nguồn từ tốc độ lây lan nhanh chóng của virus gây ra căn bệnh này. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus họ Picornaviridae gây ra trên các loài gia súc móng guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, cừu với các triệu chứng sốt, nổi bọng nước ở niêm mạc miệng, da móng, kẽ móng,... gây tổn thương cho con vật và khiến chúng đi lại khó khăn. “Virus lở mồm long móng có thể lây qua đường không khí với tốc độ rất nhanh. Cuối năm 2018, dịch nổ ra ở miền Bắc, ngay sau đó nhanh chóng di cư vào Nam”, PGS.TS Lê Văn Phan (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ.
PGS.TS. Lê Văn Phan trong trang trại nuôi lợn theo tiêu chuẩn an toàn sinh học.
Nguồn ảnh: FB nhân vật
Dù tỉ lệ tử vong không cao như dịch tả lợn châu Phi nhưng do tốc độ lây lan nhanh chóng, khó kiểm soát nên biện pháp thường dùng nhất để dập dịch khi phát hiện ra ổ dịch lở mồm long móng trên lợn là tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh.
Ở Việt Nam, ba kiểu virus lở mồm long móng phổ biến nhất là type O, A, Asia 1, nằm trong số 7 type virus lở mồm long móng trên thế giới, bên cạnh type C, SAT 1, SAT 2 và SAT 3. Dưới mỗi type lại chia thành nhiều phân type khác nhau, dưới các phân type lại tiếp tục chia thành nhiều phân nhánh nhỏ. Chẳng hạn, trong type O chia thành 10 phân type khác nhau, trong đó ba phân type phổ biến ở Việt Nam là SEA, ME-SA và Cathay. Gia súc nhiễm virus thuộc các type này đều có dấu hiệu lâm sàng giống nhau nhưng không tạo miễn dịch chéo. Chẳng hạn, gia súc có thể miễn dịch với virus type O sau khi khỏi bệnh lở mồm long móng do virus type O gây ra, nhưng vẫn có thể tiếp tục mắc bệnh nếu gặp phải virus type khác. Như vậy, “có thể coi là 7 bệnh lở mồm long móng khác nhau gây ra bởi 7 type khác nhau”, PGS.TS Lê Văn Phan giải thích.
Với những người trong ngành như PGS.TS Lê Văn Phan, sự lây lan nhanh chóng của virus là một tín hiệu nguy hiểm: “Virus nào lây truyền càng nhanh thì khả năng biến chủng càng lớn, bởi vì virus lây truyền nhanh thì sẽ nhân bản nhanh, dẫn đến bản sao lỗi càng nhiều. Xét về tính biến chủng, virus lở mồm long móng cũng không thua gì virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19”. Hiện nay, các virus này vẫn không ngừng biến đổi. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua kết quả giải trình tự gene virus lở mồm long móng trong đợt bùng phát dịch cuối năm 2018 ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Phan, trong đó trình tự nucleotide của gene đặc hiệu VP1 của các chủng virus lở mồm long móng type O năm 2018 đã khác biệt khoảng 16,6-24,5% so với các chủng virus type O được sử dụng làm vaccine năm 2015.
Thoạt nhìn, các thông tin này có vẻ hàn lâm song thực chất, “việc nắm rõ các type, các biến chủng virus đang lưu hành ở Việt Nam là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của chiến lược phòng chống bệnh lở mồm long móng bằng vaccine”, PGS.TS. Lê Văn Phan cho biết. Bởi lẽ, “với các loại vaccine nói chung, khả năng tạo miễn dịch của các vaccine đồng chủng nhìn chung bao giờ cũng cao hơn dị chủng. Hiện nay người ta đang lo ngại tiêm vaccine phòng COVID-19 không chống lại được những biến chủng mới ngoài thực địa, thì câu chuyện với lở mồm long móng cũng y hệt như vậy”.
Vaccine và chăn nuôi an toàn sinh học
Trong bối cảnh virus lở mồm long móng liên tục biến đổi như vậy, người chăn nuôi có thể làm gì để bảo vệ trại nuôi của mình? “Biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh vẫn là tiêm vaccine kết hợp với thực hành an toàn sinh học trong chăn nuôi”, PGS.TS Lê Văn Phan đưa ra khuyến nghị.
Tiêm vaccine có lẽ là một giải pháp đã quá quen thuộc, song không phải người chăn nuôi nào cũng biết cách áp dụng hiệu quả. “Tôi thấy đa phần các trại tiêm vaccine phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc đều không giám sát miễn dịch trước và sau tiêm phòng, điều này vô cùng nguy hiểm”, PGS.TS Lê Văn Phan cho biết. Bởi lẽ, không phải tiêm vaccine xong là hoàn toàn có thể yên tâm. Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine, từ vấn đề bảo quản, kỹ thuật tiêm, sự tương thích giữa chủng giống virus của vaccine và chủng virus ngoài thực địa,... “chẳng hạn vaccine sản xuất từ chủng A, thực tế bệnh do virus chủng O, nếu mức độ bảo hộ của vaccine đã tiêm với chủng O thấp thì vẫn hoàn toàn có thể nổ ra dịch bệnh”.
Do vậy, trước và sau khi tiêm vaccine lở mồm long móng, các hộ chăn nuôi nên theo dõi mức độ hiệu quả của vaccine bằng cách xét nghiệm huyết thanh của vật nuôi. “Mọi người chỉ cần lấy mẫu máu của gia súc, với lợn nái nên lấy mẫu cá thể, còn lợn con có thể lấy mẫu ngẫu nhiên. Sau đó gửi về các phòng thí nghiệm như chỗ chúng tôi đều có thể phân tích được nồng độ kháng thể, độ dài miễn dịch,... rất dễ dàng và không mấy tốn kém. Nhờ vậy, chúng ta sẽ biết được rằng việc tiêm vaccine lở mồm long móng có hiệu quả hay không”, PGS.TS Lê Văn Phan cho biết.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi nên tiêm vaccine sớm cho vật nuôi dựa trên thông tin dịch tễ. “Nếu bất cứ chỗ nào có dịch, mọi người nên cố gắng gửi các mẫu về phòng thí nghiệm để chúng tôi giải trình tự gene và biết được chủng nào đang lưu hành, còn những nơi chưa có dịch có thể xét nghiệm kháng thể để xem tình trạng miễn dịch hiện tại với chủng đó như thế nào. Nếu hiệu giá kháng thể cao, chúng vaccine trùng với chủng đang lưu hành thì an tâm, nếu không thì vẫn kịp tiêm phòng vaccine. Chẳng hạn khi dịch nổ ra ở Hà Nội, nếu gửi mẫu xét nghiệm nhanh chóng thì các tỉnh lân cận vẫn kịp tiêm vaccine”.
Không giống giải pháp tiêm vaccine có thể triển khai nhanh chóng, chăn nuôi an toàn sinh học có lẽ sẽ cần một quá trình đầu tư lâu dài. Bởi lẽ, người chăn nuôi phải đầu tư chuồng trại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý để ngăn chặn sự lây nhiễm của mầm bệnh,… khá tốn kém chi phí, thời gian và công sức. Do vậy, việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là “điểm nghẽn” của hầu hết các lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn như thủy sản, “vấn đề an toàn sinh học cũng chưa được quan tâm nhiều, chỉ có một vài tập đoàn lớn đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng quy trình an toàn sinh học tại các trại nuôi riêng của họ”, TS. Trương Đình Hoài ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
Biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh lở mồm long móng vẫn là tiêm vaccine kết hợp với thực hành an toàn sinh học trong chăn nuôi.
PGS.TS. Lê Văn Phan |