Theo nghiên cứu của nhóm tác giả ở Trường Đại học Y Dược TPHCM, cao chiết từ thân lá cây chè vằng hay vằng sẻ có tác dụng làm hạ acid uric máu trên chuột thí nghiệm, có thể sử dụng để sản xuất các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng phòng và điều trị bệnh gút.

Cây chè vằng mọc hoang khắp mọi miền đất nước. Theo Đông y, chè vằng có khả năng thanh nhiệt, giải độc, tác dụng tốt đối với phụ nữ sau sinh, giúp da dẻ mịn màng, kích thích giấc ngủ. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu về tác dụng điều trị bệnh của cây chè vằng ở trong nước còn rất ít; các tác dụng điều trị chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian.

Cây Vàng sẻ    Ảnh: Internet
Cây vằng sẻ. Ảnh: Internet

Trong khi đó, gút là một loại viêm khớp do sự lắng đọng các tinh thể acid uric ở khớp. Bệnh này được điều trị chủ yếu bằng các loại thuốc hóa dược mà nếu sử dụng lâu dài sẽ gây nhiều tác dụng phụ như dị ứng, phát ban, nhược cơ, suy giảm chức năng gan, thận,… Vì vậy, các thuốc phòng và điều trị bệnh gút bằng dược liệu đang ngày được quan tâm sử dụng.

Bởi vậy, nhóm tác giả Trường Đại học Y dược TPHCM đã thực hiện nghiên cứu “Khảo sát khả năng điều trị bệnh gút của cao chiết từ thân lá vằng sẻ”. Theo nhóm tác giả, cây vằng sẻ có chứa nhiều thành phấn hóa học như flavonoid, terpenoid, polyphenol,... Trong đó, polyphenol có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa. Ngoài ra, polyphenol còn có khả năng ức chế hoạt động của enzyme xanthin oxydase, làm giảm sự tạo thành acid uric.

Cụ thể, trong nghiên cứu này, thân lá chè vằng được nhóm thu thập tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và chiết ngấm kiệt với dung môi cồn 50%, sau đó cô đặc thu cao. Cao có hàm lượng polyphenol 86μg pyrogallol/g cao (phù hợp với thành phần hóa học trong các nghiên cứu về phân lập một số chất trong thân lá của vằng sẻ).

D
Dược liệu thân lá (trái) và cao Vàng sẻ Ảnh: NNC

Thử nghiệm cho chuột được gây tăng acid uric mãn tính bằng kali oxonat uống cao chiết từ thân lá vằng sẻ (liều 800mg/kg) trong 7 – 14 này liên tục, kết quả cho thấy cao làm hạ acid uric máu. Cao cũng không làm chết chuột ở liều tối đa 20g cao/kg, tương ứng 54,35 g bột dược liệu/kg, khoảng 254, 18g bột dược liệu/ngày ở người lớn. Kết quả này khẳng định tính an toàn của vằng sẻ, vì liều uống được khuyến cáo ở người lớn là 20 – 30g dược liệu/ngày. Ngoài ra, thử nghiệm gây đau quặn bụng bằng acid acetic, sau đó cho chuột uống cao ở liều 800 – 1200mg/kg, cho thấy giảm số lần quặn đau bụng tương đương diclofenac (thuốc giảm đau) 10mg/kg.

Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy, cao chiết từ thân lá vằng sẻ có thể sử dụng để phát triển thành các sản phẩm để phòng và điều trị bệnh gút. Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.